Việc xảy ra trong vòng nhân quả.
* Cái “nhân” gieo xuống từ cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai phe Cộng sản và Quốc gia vào giữa thế kỷ 20, với những lời tuyên bố “một mất một còn” của đôi bên.
Riêng định mệnh Việt Nam, bất hạnh đến gần hơn và rõ hơn vào tháng 1.1964 khi chính phủ Mỹ đồng tình với bản phúc trình mật của Bộ Tham mưu liên quân Mỹ và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân: đại tướng Maxwell Taylor, rằng:
“Miền Nam Việt Nam là trụ cột trong cuộc đương đầu với cộng sản trên toàn thế giới”(Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài, sđd Kỳ 16, tr. 208).
Hiển nhiên, miền Nam Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm nóng “máu lửa” nhất hành tinh. Mỹ thẳng tay gạt bỏ bất cứ ai ngăn cản họ đưa quân tham chiến. Điển hình trước đó, họ nhúng tay trực tiếp lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và đưa tướng Dương Văn Minh lên. Khoảng 3 tháng sau, lại loại các “tướng già thân Pháp” như Đôn, Đính, Kim, Xuân (có xu hướng trung lập) để đưa các “tướng trẻ thân Mỹ” như Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu lên thay (1964 – 1965).
Ở giai đoạn đó, đại tướng Nguyễn Khánh “vụt sáng” thành nhân vật tiêu biểu trên lộ trình mới của Mỹ – ông ở ngôi Quốc trưởng, Thủ tướng, nhưng không được lòng dân. Vì trước tiên, ông là người được Ngô Đình Diệm tin cẩn: “đêm đảo chánh tháng 11.1960 (Nguyễn Khánh) đã dũng cảm quyết leo qua tường dinh (Độc Lập) để cứu tổng thống (Diệm)… nên giới Phật giáo rất lo sợ (nếu Nguyễn Khánh nắm quyền) sẽ là sự quay trở lại của một chế độ Diệm mà không có Diệm” (đọc thêm: William Colby - sđd Kỳ 3, tr. 159 và 223). Sau nữa, Nguyễn Khánh bị hội đồng các tướng lĩnh bất phục.
Do vậy, Mỹ muốn gạt Khánh. Sau những biến động chính trị dồn dập, đại sứ Maxwell Taylor (nhậm chức 4.7.1964) đứng sau lưng tướng Nguyễn Cao Kỳ (và Nguyễn Chánh Thi) để dập tắt cuộc nổi dậy do tướng Lâm Văn Phát chỉ huy và đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo lãnh đạo (ngày 19.2.1965 – xem thêm Kỳ 21).
Nhân đó, Mỹ thúc đẩy các tướng trẻ đứng đầu là Nguyễn Cao Kỳ bãi nhiệm Nguyễn Khánh – buộc ông phải sống lưu vong ở nước ngoài suốt gần 50 năm (cho đến lúc qua đời tại San Jose, California - Mỹ năm 2013, thọ 86 tuổi).
Khánh đi rồi, Mỹ tiếp tục đổ quân tham chiến vào miền Nam Việt Nam. Theo số liệu do Nguyễn Cao Kỳ nêu trong hồi ký của ông (sđd Kỳ 21, tr. 77), vào năm 1950 lực lượng Mỹ mới chỉ là cơ quan cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) với 327 người, đã tăng lên 900 người (1960) và 3.200 (1961). Khi cơ quan ấy (MAAG) nâng lên thànhBộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MAC V) dưới quyền điều động của tướng Paul Harkins đã đạt đến con số 11.300. Để rồi: “năm 1963, số quân Mỹ tổng cộng là 16.500 và vào năm 1964 (dưới quyền chỉ huy của tướng Westmoreland) đã lên đến 23.000. Năm 1965, khi các lực lượng Mỹ đảm nhiệm đầy đủ vai trò chiến đấu, số quân của họ tăng tới 180.000; năm 1966 số quân này là 389.000; năm 1967:463.000; năm 1968: 495.000 và vào năm 1969: nó đã lên tới tột đỉnh với con số 541.500 người”.
Nguyễn Cao Kỳ nhận định: “Không kể lực lượng Nam Việt Nam và các lực lượng khác, một quân đội gồm nửa triệu người là một lực lượng vũ trang hết sức to lớn và lực lượng Mỹ đã được trang bị những tàu sân bay, những máy bay ném bom phản lực và tất cả những vũ khí hiện đại nhất, tinh vi nhất và khủng khiếp nhất. Tuy vậy, họ đã không thắng nổi trận chiến tranh”.
* Và cái “quả” của việc  đưa quân ồ ạt, mở rộng chiến tranh, là phải gánh chịu cuộc phản công mạnh mẽ của những người Cộng sản Việt Nam trên toàn miền. Riêng tại Sài Gòn, nơi đại sứ Maxwell Taylor cùng Trưởng ban bảo vệ các chung cư Mỹ là đại tá Kuntze vẫn cho “là nơi an toàn nhất của miền Nam, đã phải bất ngờ trước đợt tấn công cảm tử vào chính tòa nhà 5 tầng dùng làm Tòa đại sứ Mỹ, tọa lạc ở nơi đô hội nhất số 49 Hàm Nghi, gần Chợ Cũ.
Trước trận đánh, trinh sát lộ trình đã báo cáo: phòng làm việc dưới tầng trệt của Tòa đại sứ chỉ nằm cách lộ 5m. Để dễ kiểm soát người qua lại, đường Hàm Nghi được phân tuyến quy định cho xe cộ lưu thông một chiều. Tuy nhiên, do đường hẹp, cuộc tấn công cảm tử bằng xe phóng nhanh vào, sẽ đặt quân Mỹ bảo vệ tòa nhà ở thế bất ngờ, khó trở tay kịp.
Và trận đánh có mật danh: M1 được thông qua với phương án ban đầu là đóng giả một Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa đến “làm việc với sứ quán Mỹ” để đưa xe đặt sẵn chất nổ vào sát cửa Tòa đại sứ.
Cách đánh trên an toàn hơn nhưng phải cần nhiều ngày chuẩn bị công phu. Mà, yêu cầu chính trị lúc ấy lại quá gấp, cần thực hiện nhanh, nên phải chuyển sang cách đánh táo bạo: “cho một khối lượng lớn chất nổ lao thẳng vào mục tiêu!”. Ai đảm nhiệm lái xe cảm tử xông vào? Loại xe nào được chọn để chở hơn một tạ rưỡi khối TNT? (còn nữa)

Giao Hưởng