Sự kiện lịch sử 30.4: Nhìn từ nhiều phía
Kỳ 37: Chu Ân Lai trăn trối những gì với ... Khmer Đỏ?
Mao Trạch Đông (trái) - Sihanouk và Chu Ân Lai
Rời Bắc Kinh (1956), Sihanouk nhận được từ Mao Trạch Đông những “gói viện trợ” để Campuchia dần dần tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ…
Campuchia chuẩn bị bước vào công nghiệp hóa như: xây dựng 6 nhà máy lớn, trường kỹ thuật ở Kongpong Cham, sân bay quốc tế gần Angkor và cử sang Phnom Penh các chuyên viên kỹ thuật tay nghề cao, cùng đội ngũ giáo viên người Hoa giúp Sihanouk thiết lập “nền tảng giáo dục” mới. Thuận chiều “giao lưu”, Mao mở cửa đón nhiều thanh niên, sinh viên Campuchia sang du học tại Trung Quốc từ 1956 đến 1969.
Sang năm kế đó (1970) một sự kiện chính trị nổ ra ở Campuchia làm đảo lộn tất cả:
Đứng đầu chính biến là tướng Lon Nol (người Hoa - Khmer) nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tư lệnh lực lượng nhảy dù phản đảo chánh, từng được Sihanouk giao trọng trách đánh dẹp cuộc lật đổ do tình báo dinh Độc Lập (Sài Gòn) chủ mưu (năm 1959) để bảo vệ chính phủ Sihanouk. Thì giờ đây (1970) cũng chính Lon Nol cùng hoàng thân Sereak Matak, đã đứng lên đánh đổ Sihanouk khi Sihanouk đang trên đường công du qua Pháp, Liên Xô, Trung Quốc... Lon Nol chỉ huy liên đội thiết giáp và bộ binh cơ động bao vây tòa nhà Quốc hội Campuchia buộc Quốc hội phải ra quyết định truất phế Sihanouk (18.3.1970).
Sihanouk bắt đầu cuộc sống lưu vong, đáp xuống thủ đô Bắc Kinh và được Chu Ân Lai đón tiếp nồng nhiệt tại phi trường (sáng 19.3.1970), đưa về sống trong khu dinh thự (nguyên trước kia là nơi ở của thống sứ Pháp) tọa lạc ngay trung tâm Bắc Kinh, rất gần Quảng trường Thiên An Môn và Đại lễ đường Nhân dân. Bộ máy hành chính của Chính phủ vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia (GRUNK) do Sihanouk lãnh đạo đóng trụ sở lưu vong ở đó. Tân Tử Lăng nhận định:
“Tháng 3.1970, tập đoàn Lon Nol thân Mỹ đảo chính lật đổ Chính phủ vương quốc Campuchia, Sihanouk trở thành con át chủ bài trong tay Mao. Quân đội cộng sản Campuchia được Trung Quốc và Việt Nam nâng đỡ đối đầu với quân đội Lon Nol do Mỹ ủng hộ, chiến tranh kéo dài 4 năm, đến 17.4.1975 giải phóng Phnom Pênh. Tháng 6 năm đó, Pol Pot sang triều kiến Mao Trạch Đông. Sau khi về nước, thực hiện chỉ thị của “lãnh tụ vĩ đại” (Mao), Pol Pot tuyên bố xóa bỏ tiền tệ, đóng cửa thị trường, thực hiện chế độ cung cấp trong cả nước, đuổi 3 triệu dân thành thị kể cả sư sãi và giáo sư đại học về nông thôn làm ruộng. Mọi hành động của Đảng Cộng sản Campuchia sau khi giành được chính quyền đều mang dấu ấn “tả khuynh” của Mao. Bi kịch “Đại tiến vọt” ở Trung Quốc cuối thập kỷ 50 đã tái diễn ở Campuchia”.
Pol Pot thủ tiêu, bắt giam, hoặc cô lập hầu hết những người trong phe đối lập, kể cả những phần tử thân Sihanouk xong, đã phái Khieu Samphan (nhân vật quyền lực thứ 5 của Khmer Đỏ - Chủ tịch Hội đồng nhà nước Campuchia dân chủ) và vợ của Ieng Sary (Ieng Sary là nhân vật quyền lực thứ 3 của Khmer Đỏ - Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng dưới thời Khmer Đỏ) đến Bắc Kinh để mời Sihanouk về lại Campuchia.
Trước ngày lên đường, Sihanouk đến chào từ biệt thủ tướng Chu Ân Lai. Chính ở buổi chia tay đó, lần đầu tiên Chu Ân Lai đã công khai bộc lộ những đánh giá thầm kín của mình về thảm họa ập xuống đất nước Trung Quốc trong thời kỳ Đại tiến vọt và Cách mạng văn hóa do Mao lãnh đạo. Những phát biểu “sấm sét” ấy được Sihanouk đưa vào hồi ký của mình. Và có lẽ đó là những đoạn văn duy nhất của một hoàng thân, quốc trưởng (Sihanouk) ghi rõ lời lẽ phê phán gay gắt của thủ tướng Chu Ân Lai đối với chủ tịch Mao - trích dưới đây (Hồi ký Sihanouk - sđd kỳ 31. tr. 139-141):
“Tôi đến chào Chu Ân Lai, khi đó đã rất yếu và đang nằm viện vì ốm nặng, để từ biệt ông. Cùng đi với tôi có vợ tôi, người bạn và là một cố vấn lâu năm của tôi, Penn Nouth, ông Khieu Samphan và bà Ieng Sary. Chu Ân Lai, đang mặc đồ ngủ, ngoài khoác một chiếc áo choàng, đã tiếp chúng tôi trong phòng bệnh của ông, vẫn nhân từ như mọi ngày, trong khi một y tá phục vụ ông rất tận tâm.
“Hoàn toàn minh mẫn, vị thủ tướng nổi tiếng của Trung Quốc đưa ra những lời khuyên cuối cùng – giống như di chúc – đối với các thủ lĩnh đáng ngại của Khmer Đỏ. Trước mặt tôi, Chu rao giảng cho Khieu Samphan và bà Ieng Sary: “Chúng tôi, những người cộng sản Trung Quốc, phải gánh chịu những hậu quả đau đớn của chính những sai lầm của chúng tôi. Chúng tôi xin mạn phép khuyên các vị đừng cố tìm cách đạt tới giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản bằng một bước đại nhảy vọt. Các vị phải hành động một cách thận trọng và tiến bước một cách chậm rãi và khôn ngoan trên đường đi lên chủ nghĩa cộng sản. Các vị không nên đặt mục tiêu tiến ngay tới chủ nghĩa cộng sản mà nên tiến từng bước thận trọng tới chủ nghĩa xã hội. Nếu các vị không thận trọng và khôn ngoan như thế, các vị sẽ chỉ gây đau khổ cho nhân dân của mình. Phải hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản là đem lại hạnh phúc, phồn vinh, phẩm giá và tự do cho nhân dân. Nếu người ta cố tìm cách đạt được chủ nghĩa cộng sản trọn vẹn bằng một bước nhảy ngắn – với cái giá phải trả là phớt lờ trí lực của nhân dân mình và những thực tế của đất nước mình, thì có nguy cơ người ta sẽ đẩy nhân dân mình và đất nước mình vào thảm họa. Tôi khẩn thiết kêu gọi các vị đừng phạm những sai lầm mà chúng tôi đã phạm phải ở Trung Quốc”.
Những lời trên của Chu Ân Lai đã vạch trần thất bại nặng nề của Mao. Và Mao, với tai mắt sẵn có, hẳn nhiên không thể không biết là Chu tố giác sai lầm và tội ác của mình như thế nào trước mặt các lãnh tụ Khmer Đỏ. Điều ấy đẩy Chu đến cái chết nhanh hơn ? Vấn nạn này sẽ trình bày sau.
Còn Khmer Đỏ, sau đó vẫn đi theo vết xe đổ của Mao (gạt qua một bên lời cảnh cáo của Chu) gây nên cái chết của khoảng 1,7 triệu đến 2,5 triệu người Campuchia - trên tổng số chưa đầy 9 triệu dân thời ấy. Một tội ác điển hình dưới búa rìu của Khmer Đỏ là đã quật chết đứa con đầu lòng của thủ tướng Hun Sen ngay khi cháu bé vừa mới lọt lòng mẹ chưa lâu (còn nữa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét