Hoàng thân Nodorom Sihanouk trong một ngày vui.
“Phó vương” Dap Choun vượt vòng vây của quân đội Sihanouk chạy thoát vào rừng nhưng số mạng của ông cuối cùng đã bị “nàng tiên nâu” xóa sổ…
Tướng Dap Choun nghiện thuốc phiện. Khi quân nhảy dù của Lon Nol truy kích vào mờ sáng 22.2.1959 (xem Kỳ 30) Dap Choun chỉ còn “một cửa”: trốn chạy ! Ông bỏ lại tất cả, chỉ mang theo bên mình “nàng tiên nâu” (thuốc phiện) trên đường bôn tẩu. Đến một gốc cây lớn vắng vẻ Dap Choun mệt mỏi ngồi xuống, dựa lưng nghỉ.
Người ta đồ chừng Dap Choun đã dùng bàn đèn dã ngoại để hút vội vã qua cơn ghiền. Có thể làn khói trắng thơm tho của loại thuốc phiện hảo hạng lấy nguyên liệu từ “tam giác vàng” đã đưa phó vương Dap Choun bay vào cõi mộng, để không bao giờ tỉnh dậy nữa. Quân Lon Nol từ phía bìa rừng lần theo khói thơm tìm đến bắn chết Dap Choun ngay tại chỗ, không cần một lời tuyên án, lúc ông còn đang bềnh bồng say thuốc. Một cái chết nhẹ nhàng không hay biết mình đã chết, cứ ngỡ mình đang gối đầu dưới gốc uất kim hương của Thần giấc ngủ Morphée (trong tên gọi morphinvà morphinum).
Giết Dap Choun, thu hồi dinh thống đốc Siem Reap, đánh bại mưu toan lật đổ của tình báo dinh Độc Lập, Sihanouk mời đại sứ các nước và báo chí quốc tế đang có mặt ở Phnom Penh đến dự cuộc họp báo tại Siem Reap ngay hôm sau 23.2.1959 để trưng bày bằng chứng... Đặc sứ Ngô Trọng Hiếu đứng trước hai điệp viên Sài Gòn đang bị trói tay dẫn ra trước đám đông nhà báo. Xúc động nhưng cố trấn tĩnh, ông im lặng lấy tay vuốt nhẹ lên tóc hai điệp viên trẻ thay lời cáo biệt…
Sau họp báo, Sihanouk đòi chính phủ VNCH triệu hồi đặc sứ Ngô Trọng Hiếu về Sài Gòn song vẫn duy trì Tòa đại diện VNCH tại Phnom Penh như cũ. Nhân đó, Trần Kim Tuyến lại đưa một nhân vật nguy hiểm hơn thay Hiếu: Phạm Trọng Nhơn.
Phạm Trọng Nhơn là điệp viên đơn tuyến hoạt động bí mật tại Nam Vang và chịu sự “chỉ đạo đầu nguồn” từ Sài Gòn bởi Trần Kim Tuyến. Ông có vai trò “ngòi pháo” trong giai đoạn đầu của điệp vụ mưu sát Sihanouk được chính Trần Kim Tuyến kể (bút danh Lương Khải Minh) viết chung với Cao Thế Dung(1) trong sđd Kỳ 18 - như sau:
Lật đổ không xong (1959), tình báo dinh Độc Lập xoay sang mưu sát Sihanouk (1961) bằng khối chất nổ cực mạnh giấu trong chiếc va-ly ghi rõ bên ngoài: “Quà tặng quốc trưởng” do một điệp viên Sài Gòn mang bí danh N2 lái xe chở thẳng tới hoàng cung Campuchia.
Xuống xe, điệp viên N2 tự tay mang chiếc va-ly đó vào phòng nghi lễ, nhân danh một kỹ sư Mỹ (vốn chỗ thân hữu lâu ngày với quốc trưởng và hoàng cung) gởi biếu từ Hong Kong và nhờ N2 chuyển giúp đến Sihanouk. Sau một số thủ tục “kiểm tra an toàn”, trưởng ban nghi lễ tiếp nhận, mang va-ly ấy vào phòng khách riêng của quốc trưởng - chỗ Sihanouk đang ngồi. Cái chết sờ tới, khó tránh khỏi, nhưng bỗng nhiên Sihanouk đứng dậy ra khỏi vòng sát thương của chiếc “va-ly tử thần” chưa lâu trước lúc nó phát nổ.
Tiếng nổ làm rung chuyển hoàng cung, giết chết viên trưởng ban nghi lễ tại chỗ và đào sâu hố chia rẽ không cách gì hàn gắn được giữa Mỹ và Campuchia từ đó.
Bởi, Sihanouk khăng khăng quy cho Mỹ chủ mưu vụ mưu sát ông. Ông không thể quan niệm nổi “Nam Việt Nam làm một việc gì mà lại không có sự tham gia của Mỹ” -để ngay sau đó Sihanouk phát động chiến dịch lên án chính phủ Mỹ, đồng lúc công khai mở “cuộc chiến chống CIA” (William Colby - sđd Kỳ 3, tr. 112).
Thật ra, tình báo dinh Độc Lập tiến hành điệp vụ trên “không cần sự giúp đỡ của Mỹ”, không bàn bạc chi tiết về “mục tiêu đóng kín” đó (W. Colby). Nhưng đại thể, Mỹ có biết và có qua cộng sự CIA người Việt (cài trong dinh Độc Lập) thử lên tiếng ngăn cản (vì Mỹ cân nhắc lợi hại chưa muốn giết Sihanouk) nhưng Trần Kim Tuyến bác bỏ. Kết quả là CIA phải gánh chịu tai tiếng. Oan cho Mỹ !
Các hoạt động bài Mỹ rầm rộ của Sihanouk “sau tiếng nổ” đã đánh động dư luận quốc tế hướng mắt vào tìm hiểu. Họ muốn biết ngọn ngành sự việc, nhất là tại sao và từ bao giờ tổng thống Diệm và cố vấn Nhu lại quyết định “khai tử” cho được Sihanouk?
Có thể nói, quyết định trên nẩy mầm từ mảnh đất xa lạ tận Indonesia trong hội nghị thượng đỉnh Á - Phi tổ chức ở Bangdung với đại diện 29 nước tham dự (khai mạc 17.4.1955) trong đó có Trung Quốc. Trước giờ lên đường, thủ tướng Chu Ân Lai cùng nguyên soái Trần Nghị đọc kỹ báo cáo đặc biệt và tường tận của tình báo Trung Nam Hải về quốc vương Sihanouk liên quan đến quan điểm chính trị, hướng đi “không liên kết”, kể cả tính tình, sở thích, thói quen, cách ăn mặc, giao tiếp, đi lại, lẫn niềm tin siêu hình và ước vọng riêng tư của Sihanouk. Để rồi, khi hội nghị nhóm họp, thủ tướng Chu Ân Lai “là người đầu tiên tiến đến gần tôi (Sihanouk)”. Vào giai đoạn đó (4.1955) giữa Campuchia và Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ quan hệ ngoại giao hay thương mại nào, nhưng:
“Chính từ cuộc gặp gỡ đầu tiên này, tôi đã cảm nhận được rất rõ ràng rằng thủ tướng Chu Ân Lai kiên quyết tạo lập những mối quan hệ bền vững giữa hai nước. Ông đánh đúng vào tình cảm của tôi, nồng nhiệt ca ngợi “cuộc chiến đấu thắng lợi” của tôi để giành độc lập cho Campuchia (…) và ông đã giải thích hoàn toàn rõ rằng Trung Quốc cam kết luôn luôn tôn trọng chủ quyền và sự trung lập của Campuchia, không can thiệp vào nội bộ của chúng tôi. Hơn tất cả, tôi đã bị chinh phục bởi chính thái độ lịch sự và thông minh của ông trong việc làm cho tôi cảm thấy rằng đất nước Campuchia bé nhỏ của tôi được xếp ngang hàng với đất nước Trung Hoa bao la, và rằng ông và tôi là những cá nhân bình đẳng” (Hoàng thân Norodom Sihanouk - cùng Bernard Krisher: Hồi ký Sihanouk, những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết - Trần Chí Hùng dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội 1999, tr. 121).
Để làm vui lòng Sihanouk, ngay lần gặp đầu tiên Chu Ân Lai đã mời Sihanouk dự“bữa ăn cung đình Trung Hoa” tại ngôi biệt thự do tổng thống Sukarno của nước chủ nhà Indonesia bố trí cho đoàn Trung Quốc ở. Với phong thái đầy nghệ sĩ tính, Sihanouk nhận lời, tới nơi ông ngạc nhiên và bất ngờ được biết tất cả những người đầu bếp lo bữa tiệc hôm đó đều được Chu Ân Lai đem từ Bắc Kinh đến. Ngồi bên thủ tướng Chu có nguyên soái Trần Nghị vốn là “người Tứ Xuyên sành nhậu” (thích lấy trái sầu riêng làm mồi) uống rượu chỉ bằng “một ly không đáy” (rót mãi không đầy) tiếp Sihanouk như người nhà dầu chỉ mới lần đầu mời rượu. Sihanouk viết: “hương vị rất riêng của rượu mạnh Mao Đài khiến tôi hơi choáng váng, còn mọi thứ khác hoàn toàn như bùa mê”… (còn nữa).
Giao Hưởng
Chú thích:
(1) Cao Thế Dung: sinh 1933 tại miền Bắc Việt Nam, di cư vào Nam Việt Nam (1954), dạy trường Taberd Sài Gòn (từ 1964), qua Mỹ (1975), lấy văn bằng tiến sĩ (Ph. D) tại đại học Georgetown - Columbia với luận án “The Role of the Chinese Merchants in VN’s rice maket 1865-1965” (1980), biên soạn tự điển “Vietnam’s Biographical Dictionnary” và nhiều công trình văn hóa giá trị khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét