Tư lệnh không quân VNCH - tướng Nguyễn Cao Kỳ
Không quân VNCH thời còn sung sức có quân số hơn 60.000 người - gồm 5 sư đoàn tác chiến với hơn 500 phi cơ các loại - trong đó có phi đoàn tình báo kỹ thuật và biệt đoàn đặc vụ 314...
...Ở giai đoạn tan rã (4.1975), lực lượng còn lại của quân chủng này vẫn làm đại sứ Martin phải nhiều đêm mất ngủ, vì nếu họ quay mục tiêu oanh kích về phía người Mỹ trong những giờ cuối của cuộc chiến, hậu quả sẽ ra sao ?
Vì lẽ đó, Martin phản ứng quyết liệt về “những kế hoạch điên rồ” (xem Kỳ 4) của Nhà Trắng, thuyết phục để tổng thống Ford đồng ý với mình về chủ trương di tản người Việt, đồng thời xét lại các “crazy plans” đầy bất trắc.
Cuối cùng, TT. Ford ngả về phía Martin và triệu tập phiên họp kín tại Nhà Trắng với những thành viên được chỉ định trước, trong đó có các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại, để cảnh báo về hậu quả tiêu cực của phương án “chỉ di tản người Mỹ” và “bỏ mặc người Việt” (hoặc di tản người Việt với số lượng ít ỏi, chiếu lệ). Giả thử phương án kia thực thi, sẽ không tránh khỏi phản ứng quyết liệt của không quân Nam Việt Nam. TT. Ford trong hồi ký của mình (xuất bản 1979), nhắc lại:
- Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc di tản vội vã sẽ có những hậu quả trầm trọng. Một tình trạng hoảng hốt lớn tại khu thủ đô miền Nam (Sài Gòn) sẽ có thể phát sinh, và trong sự chua cay là đã bị phản bội, quân đội miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) có thể quay súng (bắn) vào người Mỹ !.
Nguyễn Tiến Hưng viết, TT. Ford nói rõ thêm: “Nếu rút hầu hết người Mỹ ra cùng một lúc sẽ làm cho người Việt Nam nghĩ rằng Mỹ đang tháo chạy, sẽ có thể gây ra những cuộc tấn công vào người Mỹ”. Cuối cuộc họp, TT. Ford yêu cầu các nghị sĩ có mặt đừng để báo chí biết “phiên họp chỉ bàn tới chuyện di tản” - mà cần thông báo chung chung là: “phiên họp bàn chuyện ổn định tình hình tại miền Nam Việt Nam” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd Kỳ 2).
Sau phiên họp trên, từ Sài Gòn, Martin đưa khá nhiều phi công thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa và gia đình của họ ưu tiên ra đi trước: “tất cả khoảng 2.000 người tới phi cảng Atapao ở Thái Lan” - với mục đích: “giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ (của không quân Sài Gòn) với lực lượng Mỹ”. Martin cảnh cáo “nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt Nam sẽ trút sự giận dữ lên đầu những người Mỹ còn lại”. Ông giải trình trước Quốc hội:
- Không quân Việt Nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình (máy bay chở người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn - GH) khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho (quân đội) Bắc Việt (Graham Martin - Testimony, tr. 548 - chú thích của Nguyễn Tiến Hưng,sđd Kỳ 2).
Martin nhận định phi công là phần tử nắm trong tay phương tiện cơ động nhanh chóng và nguy hiểm nhất (máy bay) và có cơ hội cũng như điều kiện để trút “uất hận” lên bất cứ nơi nào tập kết người Mỹ (chuẩn bị di tản) và nếu phi công Việt Nam Cộng hòa bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ thì “chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6.000 người Mỹ phải chết, thêm vào đó là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên - dĩ nhiên (lúc ấy) không lực từ Đệ thất hạm đội (hạm đội 7) sẽ vào uy hiếp (đánh trả), dẹp tan hết mọi cuộc tấn công. Nhưng (hậu quả) là Sài Gòn sẽ đổ nát như Baghdad và bao nhiêu người dân (vô tội) sẽ là nạn nhân?” (Nguyễn Tiến Hưng,sđd Kỳ 2). Martin giải bày:
- Tôi có một sự lo nghĩ trong lòng nhưng nó đã được giải quyết trước ngày cuối cùng của cuộc di tản, đó là một phần đông không quân Việt Nam đã được bay sang căn cứ Utapao ở Thái Lan, như vậy là đã di chuyển được khả năng (chiến đấu) của một số phi công chống đối trên bầu trời - họ có lẽ là phần tử uất hận nhất trong các quân chủng (Graham Martin, Testimony, tr. 586 - NTH).
Những lời trên của Martin phù hợp với hồi ký của tướng Nguyễn Cao Kỳ (từng làm Tư lệnh Không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa):
“Cộng sản biết rằng mất sân bay thì Sài Gòn cũng mất” nên đã mở đầu đợt đánh chiếm Sài Gòn vào giai đoạn đỉnh điểm bằng động thái đánh bom Tân Sơn Nhất:“Ngày 28.4.1975, quả bom hạng nặng đầu tiên rơi cách nhà tôi 300 mét. Lúc ấy có gần 400 người tụ tập ở đó, hay trên những bãi đất xung quanh. Họ là những gia đình binh sĩ xin chỗ máy bay (để rời Việt Nam). Nhiều người quyết định ngủ đêm ngay tại văn phòng, hoặc những ngôi nhà gần bên. Quang cảnh giống như một trại tị nạn. Lúc những quả bom đầu tiên làm rung chuyển nhà tôi, một anh phi công chạy vào phòng khách kêu lớn: “Tôi cất cánh đây !”.
Nguyễn Cao Kỳ cũng hét: “Đồng ý. Đi đi”!
Thế là anh phi công kia lao đến chiếc máy bay gần nhất. Cùng lúc, tướng Kỳ phóng lên một chiếc xe jeep cùng với thiếu tá thân cận của mình nổ máy chạy ra đường băng để xem thiệt hại tới mức nào. Tướng Kỳ thuật lại, lúc ấy:
“Căn cứ vắng vẻ im lặng, khác lạ, trái ngược hẳn với quang cảnh nhộn nhịp thường ngày. Ai nấy đều chạy vào hầm trú ẩn và xe jeep của chúng tôi là vật duy nhất mà người ta thấy đang di chuyển (trên sân bay). Các phi công cộng sản chắc đã phát hiện ra chúng tôi, vì lẽ các máy bay của họ ở trên cao lượn vòng vòng rồi bắt đầu bắn xuống chúng tôi”.
Kỳ xuống xe, nhảy vào một cái hố tránh đạn đào sẵn bên đường, nhìn lên ông thấy“lửa tóe ra từ những họng súng nhằm vào xe jeep - hàng chục máy bay của chúng tôi bị phá hủy trên mặt đất”. Kỳ quay về: “Điện bị cắt đứt. Chúng tôi không liên lạc với Bộ tổng tham mưu được nữa. Những người ở trong nhà phải thắp nến ăn cơm”. Rồi ông lại quay đi, đến Bộ tư lệnh Không quân, để thấy “một cảnh tượng cực kỳ hỗn loạn bày ra trước mắt, toàn bộ Bộ tư lệnh gồm khoảng 100 sĩ quan, tướng, đại tá và thiếu tá, tập hợp ở văn phòng tư lệnh. Tôi nhận thấy có cả vài tướng lục quân nữa. Ông tư lệnh không quân (trung tướng Trần Văn Minh - GH) cho tôi biết là người Mỹ đã cho lệnh di tản tất cả máy bay F5 sang Thái Lan và Philippines, hiện bộ tham mưu của ông ta đang chờ tại văn phòng này để người Mỹ lo liệu việc di tản”. (còn nữa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét