Tướng Westmoreland - suýt chết trong trận tấn công Tòa đại sứ Mỹ năm 1965 của cảm tử quân cộng sản Việt Nam.
Cảm tử quân Tư Việt trúng đạn, bị bắt và bị kết án tử hình với lệnh “xử bắn khẩn cấp”…
Nhưng người Mỹ chặn lại, không để chính quyền Sài Gòn thi hành bản án trên. Nguyên do:
Tòa án Quân sự mặt trận của chính quyền Sài Gòn khiêng Tư Việt ra xử (8 ngày sau trận đánh vào Tòa đại sứ Mỹ - xem Kỳ 23) dầu lúc ấy anh hãy còn phải băng bó, do viên đạn bắn xuyên qua bụng, đang mở rộng miệng vết thương nhức nhối về phía trước. Anh bị bắt khi đang gắng sức móc quả lựu đạn “quyết tử” lên miệng rút chốt tự vẫn, nhưng máu ra nhiều quá, kiệt sức ngã xuống. Do kết quả trận đánh làm rúng động dư luận Mỹ và thế giới, nên chính quyền Sài Gòn muốn xử nhanh, với mức án được tuyên tối đa: “tử hình” và “xử bắn ngay” !.
Đáp lại, và để cứu cảm tử quân Tư Việt, ngay tối hôm Tòa án Quân sự mặt trận của chính quyền Sài Gòn tuyên án, Ủy ban trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng chính thức và đanh thép tuyên bố trên Đài phát thanh Giải phóng:
“Nếu Mỹ và chính quyền Sài Gòn xử bắn Tư Việt, thì lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận sẽ tử hình ngay lập tức trung tá tình báo Gustave Hertz của CIA bị bắt ở ngoại ô Sài Gòn (Thủ Đức) trước đó”.
Nghe tuyên bố trên, lãnh đạo Nhà Trắng ở Washington và Ban giám đốc CIA Mỹ cấp thời ngăn cản để chính quyền Sài Gòn đình chỉ lệnh “xử bắn khẩn cấp” đối với “tử tù Nguyễn Văn Hai (tức Tư Việt - tên thật: Lê Văn Việt”) và đày ra Côn Đảo để đó.
Những ngày ấy, tâm trí của tổng thống Johnson vốn đã bị đè nặng bởi “bóng tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tan nát” - nay lại càng rối lên vì áp lực của nhà Kennedy trong cuộc vận động nhằm đưa trung tá Gustave Hertz là “con ruột ông già vợ của em cố tổng thống Kennedy” đến vùng trao đổi…
Việc trên, qua cuốn “Biệt động Sài Gòn” (sđd Kỳ 23, tr. 266) của Nguyễn Đức Hùng - thường gọi: Tư Chu (Chỉ huy trưởng các lực lượng biệt động Sài Gòn) đã trích dẫn hồi ký của ông Huỳnh Văn Tâm (nguyên đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở nước ngoài) kể rành mạch:
Lúc cảm tử quân Tư Việt được hoãn lệnh “xử bắn khẩn cấp”, tổng thống Bel Bella của nước Cộng hòa Algérie có mời ông Huỳnh Văn Tâm lên dinh tổng thống để bàn việctối quan trọng vào năm 1966: “Đến nơi tôi (Huỳnh Văn Tâm) bất ngờ vì (thấy) có mặt ông già vợ của em cố tổng thống Kennedy (do tổng thống Bel Bella giới thiệu). Ông ta khẩn thiết đề nghị trao đổi chiến sĩ biệt động (Tư Việt), người (xung kích) đánh sập sứ quán Mỹ ở Sài Gòn (đang bị bắt lưu đày ở Côn Đảo) với con trai của ông ta là trung tá Gustave Hertz (tình báo CIA) bị lực lượng biệt động ta (cảm tử quân Giải phóng) bắt giữ ở ven đô (Thủ Đức). Trung ương Cục đặt điều kiện “1 đổi 3” - ngoài anh Nguyễn Văn Hai (tức Tư Việt) còn có 2 cán bộ cao cấp khác do ta chọn. Phía Mỹ chấp thuận và chịu tổn phí 1 triệu đô la” để hoàn tất mọi việc.
Tổ chức Hồng thập tự quốc tế tự nguyện đứng ra làm trung gian cuộc trao trả “vì hòa bình và đoàn kết tương thân”. Đáp ứng sự kiện “bồ câu trắng” đó, từ thủ đô Campuchia - hoàng thân Norodom Sihanouk lên tiếng sẵn sàng lấy Phnôm Pênh làm nơi trao trả cảm tử quân Tư Việt với trung tá CIA Gustave Hertz. Chính phủ Pháp cũng vào cuộc, với đề nghị lấy thủ đô Paris làm nơi gặp gỡ và hòa giải. Nhưng việc bất thành vào giờ chót, bởi trên đường áp giải Gustave Hertz về căn cứ Trung ương Cục, anh ta bị sốt rét ác tính qua đời đột ngột.
Khoảng thời gian đó, tuy chưa bị xử bắn, song Tư Việt phải trải qua nhiều nhà giam từ khám lớn Chí Hòa đến Côn Đảo. Cuối đường, Tư Việt tìm cách vượt ngục nhưng không thành, bị bắt và đánh đập tàn nhẫn, chết nửa khuya 31.10.1966 tại Côn Đảo, lúc mới 26 tuổi.
Qua chuyện khác:
Khi Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công, tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MAC V) ở Sài Gòn suýt chết, đã kể qua cuốn “A soldier reports” (bản dịch của Phòng Khoa học Quân khu 9 không ghi tên dịch giả) như sau:
“Sáng hôm đó 30.3.1965, tôi có dịp đến sứ quán gặp phó đại sứ Alexis Johnson (đại sứ Maxwell Taylor vừa rời Việt Nam về Mỹ). Nếu tôi đến đúng hẹn thì chắc tôi đã có mặt tại hành lang lúc vụ nổ xảy ra (và tính mệnh chưa biết sẽ ra sao). Qua máy bộ đàm trên ô tô tôi được tin về vụ nổ, lúc đó tôi chỉ còn ở cách sứ quán hai khối nhà”(NXB Trẻ, TP. HCM 1988).
Khoảng hai tuần (sau ngày Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công), vào 15.4.1965: “lực lượng không quân Mỹ và Nam Việt Nam đã tiến hành đợt không kích lớn nhất từ trước đến nay ở miền Nam Việt Nam, ném hơn 1000 tấn bom Napalm xuống tỉnh Tây Ninh (là nơi Mỹ coi là sào huyệt của lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam và là khu vực “ném bom tự do”), giết chết hàng trăm dân thường vô tội, đốt cháy hàng trăm hecta rừng. Trận ném bom được thực hiện ngay sau khi tổng thống Mỹ Johnson cam kết tăng cường lực lượng quân sự Mỹ cho cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm buộc Việt Nam phải tham gia “đàm phán hòa bình” theo các điều kiện của Mỹ”. Nhưng một lần nữa, cảm tử quân cộng sản Việt Nam lại xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, họ hành động (thay lời nói) để phủ nhận các điều kiện của Mỹ đưa ra, bằng một loạt các trận đánh mới mà tướng Westmoreland ví von là đã bùng lên từ “những bóng ma”… (còn nữa).
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét