Việt
Nam Cộng Hòa bỏ mặc Hoàng Sa cho Trung Cộng thoải mái chiếm đóng. Không
có nỗ lực quân sự nào nhằm khôi phục lãnh hải. Không có nỗ lực ngoại
giao nào đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, đưa kiến nghị tới SEATO và các
quốc gia ký kết Định Ước Ba Lê...
Nhận lệnh ra Hoàng Sa với nhiệm vụ thiết lập phi trường
Buổi
sáng 15-1-1974 tôi nhận lệnh thượng cấp ra đảo Hoàng Sa để thiết lập
một phi trường quân sự, lúc đó tôi là sĩ quan lãnh thổ Phòng 3 thuộc
Quân Đoàn I nên việc thượng cấp giao cho là hợp lý. Chiều hôm đó thay vì
di chuyển bằng xe quân sự, thì nhân viên Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà
Nẵng là ông Kosh lại lấy chiếc Falcon chở tôi cùng đi với ông qua bên
Tiên Sa. Đến nơi vào khoảng 5, 6 giờ chiều, trời đã gần tối, chúng tôi
lên chiếc HQ16 do Hải quân Trung tá Lê Văn Thự là Hạm trưởng; HQ16 đưa
chúng tôi ra tới đảo Hoàng Sa vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau. Trời hừng
sáng, tôi thức dậy và nhìn ra khơi, xa xa có mấy chiếc tàu nhỏ đang di
chuyển, dần dần những chiếc tàu đó nhắm hướng HQ16 chạy tới, nó cứ chờn
vờn trước mũi tàu mình và nói theo ngôn ngữ lúc bấy giờ gọi là “kỳ đà
cản mũi”. Hải quân Trung tá Lê Văn Thự lấy làm lạ và nói với tôi: “Hình
như nó muốn khiêu khích mình”. Nó giả dạng tàu đánh cá, cho một vài tên
mặc quần đùi, ở trần ra ngồi bên mạn thuyền thả câu, câu cá. Chúng tôi
mặc kệ nó và ở đó vài tiếng sau thì đổ bộ lên bờ. Ngoài tôi làm toán
trưởng, còn có một Trung úy Liên Đoàn 8 Công Binh Kiến Tạo, một Trung úy
Liên Đoàn 10 Công Binh Chiến Đấu, hai Hạ sĩ quan đi theo hai Trung úy
và ông Kosh, như vậy toán chúng tôi có tất cả 6 người đặt chân xuống
đảo.
Hai
Trung úy lo đi thám sát địa hình, đo đạc để có dữ kiện thiết lập phi
trường. Ở trên đảo có sẵn một toán Khí Tượng nên cần biết gì về thời
tiết, Nhóm Khí Tượng sẵn sàng cung cấp đầy đủ. Ngoài Nhóm Khí Tượng còn
có một đơn vị Địa Phương Quân trú đóng.
Biển Đông dậy sóng
Sáng
ngày 18-4-1974 từ trên đảo nhìn ra biển thấy tình hình khác hẳn mấy
ngày trước. Tàu của Trung Cộng nhỏ nhưng khá nhiều, còn bên Hải Quân
Việt Nam Cộng Hòa thấy có bốn chiếc HQ16, HQ4, HQ10 và HQ05. Hai chiếc
HQ05 và HQ16 là Dương Vận Hạm; chiếc HQ04 là Khu Trục Hạm còn HQ10 là Hộ
Tống Hạm. HQ04 nhỏ hơn nhưng hỏa lực mạnh hơn.. Chiều ngày 18 tôi nhận
được lệnh của Hải Quân Trung tá Lê Văn Thự nói sẽ cho dzu dzu (một loại
xuồng cao su) đến đón chúng tôi lên HQ05. HQ05 bây giờ được gọi là Soái
Hạm (tàu chỉ huy) vì có Hải Quân Đại tá Hà Văn Ngạc đang ở trên đó để
tổng chỉ huy. Tôi lên HQ05 và chờ đến khoảng 10 giờ thì loa phóng thanh
nói: “Mời Thiếu tá Phạm Văn Hồng lên đài chỉ huy để gặp Hải đội trưởng”.
Tôi lên phòng chỉ huy, Đại tá Hà Văn Ngạc vỗ vai tôi và nói: “Toa à,
cái thằng Kosh này là bạn moa, nó nhát gan, nó sợ và muốn lên đảo, nó
bảo ở trên tàu nguy hiểm quá, vậy toa đi với nó lên đảo trở lại”. Rồi
ông ra lệnh lấy dzu dzu đưa chúng tôi vào đảo. Cặp vào đảo thì đã
khuya, anh em Địa Phương Quân họ cũng đã ngủ hết .
Suốt
một đêm vật vã với sóng gió, tôi cũng mệt nhoài nên sáng hôm sau khi
nghe có tiếng heo kêu tôi mới thức dậy thì trời đã sáng rõ. Sở dĩ có
tiếng heo kêu là vì mấy anh em Địa Phương Quân khi nhận lệnh ra giữ đảo,
biết nhiệm kỳ của mình sẽ ăn Tết trên đảo nên họ mang một con heo ra
nuôi để Tết mổ thịt.
Khi
vừa rửa mặt xong thì nghe mấy anh em Điạ Phương Quân nhao nhao nói: “Có
lẽ không xong rồi Thiếu tá ơi!” Và tôi bắt đầu nghe tiếng súng nổ; lúc
đó vào khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 19-1-1974. Tôi leo lên sân thượng của
Đài Khí Tượng nhìn ra biển thấy hai chiếc tàu Trung Cộng chưa chìm
nhưng đang trong tư thế sắp chìm và tôi nghĩ chắc chắn sẽ chìm, còn bên
phía Hải Quân mình tôi thấy các lằn đạn của tàu Hải quân Trung cộng cũng
đang ghim vào chiến hạm của mình. Hai bên đang thi nhau nã đạn. Tiếng
súng lớn, súng nhỏ thi nhau nổ dòn dã. Tôi xuống phòng truyền tin, ở đây
chỉ có mỗi chiếc máy C.25 để anh em liên lạc với tàu khi lên xuống
thôi. Tôi nghe âm thoại viên của Hải Quân nói: “Thiếu tá Hồng, tôi đã
mất liên lạc, nhờ Thiếu tá gọi ngay về Đà Nẵng giúp, nói là tàu tôi đã
bị nghiêng 30 độ, mắt thần chúng tôi đã bị hư”. Đó là tất cả những gì
tôi nghe được qua máy truyền tin C.25. Tôi nhờ bên Đài Khí Tượng cho sử
dụng máy Motorola, anh em bên Khí Tượng cho biết, họ chỉ lên máy mỗi đầu
giờ, bây giờ đang là giữa giờ, lên máy không có tín hiệu nhận. Nhưng
anh em bên Đài Khi tượng vẫn mở máy. May quá, có Phú Quốc lên máy. Tôi
nhờ Phú Quốc gọi về Sài Gòn, yêu cầu Sài Gòn gọi ra Đà Nẵng nói Đà Nẵng
“lên máy”. Nói thì nghe ngắn gọn như vậy nhưng lúc đó mất rất nhiều thời
gian, không như bây giờ có cell phone, liên lạc với nửa vòng trái đất
cũng chỉ trong tíc tắc!
Khi
tôi liên lạc được với Đà Nẵng, tôi yêu cầu Đà Nẵng gọi “Uy Dũng” là tên
Tổng đài Quân Đoàn I của chúng tôi, tôi cho số máy của Trung tâm hành
quân và số máy của Quân Đoàn I, yêu cầu liên lạc ngay với tôi qua tổng
đài của Ban Khí Tượng ngoài đảo Hoàng Sa. Lúc đó tiếng súng giữa các
chiến hạm của ta và của Trung Cộng đã tạm lắng dịu nhưng súng bắt đầu nổ
trên đảo. Tôi lên Đài Khí Tượng quan sát thì thấy các chiến hạm của ta ở
vòng ngoài, còn tàu Trung Cộng thì lại ở vòng trong, có nghĩa là chúng
tôi đã bị tàu Trung Cộng bao vây. Những chiếc tàu của Trung Cộng theo
anh em Hải quân ta cho biết là những chiếc Kronstad, tất cả đều quay mũi
tàu của họ vào đảo, còn các chiến hạm của ta thì quay mũi ra phía ngoài
biển. Các chiếc Kronstad tiến sát vào bờ và đổ quân, chúng dàn hàng
ngang tiến lên đảo. Lúc này trên đảo bên ta chỉ có một Trung đội Địa
Phương Quân hơn 20 quân nhân, bốn năm anh em chuyên viên Khí Tượng và
thêm toán chúng tôi 6 người nữa mà phải đương đầu với khoảng một tiểu
đoàn Trung Cộng. Cũng cần biết thêm là theo anh em đi thám sát đo đạc để
lập phi trường có cho biết, chu vi đảo chỉ chừng 1 cây số 6. Nếu thiết
lập phi trường thì chỉ có thể làm phi đạo dài 500 thước, ngang 300 thước
mà thôi, và phi đạo như thế chỉ sử dụng cho các loại phi cơ 123 Caribou
chứ loại C.130 không thể hạ cánh được. Cho nên với chu vi gần 2 cây số
mà chỉ có khoảng 20 người, làm sao kiểm soát hết được, trong khi đó sở
trường của Trung Cộng luôn luôn là “lấy thịt đè người”. Với quân số ít
oi và vũ khí cũng không có gì mạnh mẽ lắm, mỗi người chỉ có vài gắp đạn
nên bắn mấy lần là hết đạn. Tuy nhiên anh em vẫn chiến đấu với biển
người Trung Cộng.
Mưu mô của Trung Cộng
Để
nắm vững tình hình trên đảo về quân số cũng như cách bố phòng của ta,
vào khoảng đầu tháng 10 năm 1973, thời điểm tháng 10 thường hay có mưa
bão xảy ra ở vùng biển Đà Nẵng, nên Trung cộng cho một chiếc tàu giả
dạng tàu đánh cá vào đảo xin tránh bão. Việt Nam Cộng Hòa mình vốn có
tính nhân đạo và thật thà, thấy họ xin núp bão thì đồng ý ngay, lại còn
tiếp tế cho họ nước uống nữa, chúng làm bộ thân thiện với ta, tặng cho
anh em quân nhân những bộ bài có hình khỏa thân, và rủ lính của ta chơi
trò “trốn tìm”, mục đích là dò xem mình có hầm hố gì không, nhưng các
anh em Điạ Phương Quân của ta đâu có ngờ, đó là mưu mô “thám sát” của
lính Tàu. Vì thế khi chúng tấn công lên đảo, chúng đã nắm rõ quân số của
ta có bao nhiêu người, vũ khí ra sao, có hầm hố chiến đấu hay không,
còn ta, ta không biết gì về địch. Lực lượng hai bên quá chênh lệch như
thế nên chúng ta bị thất bại là lẽ đương nhiên.
Tin vào lời hứa, tìm cách ẩn trốn và bị bắt
Khi
tôi liên lạc bằng máy Motorola của Đài Khí Tượng trên đảo về Đà Nẵng,
tôi được bên Hải Quân cho biết, Thiếu tá Hồng cứ yên trí, sẽ có máy bay
ra yểm trợ. Vì tin lời hứa đó, tôi nghĩ trong lòng rằng không bao giờ
tôi đầu hàng, giả sử nếu cùng lắm bên Không quân ta phải thả bom trên
đầu, tôi cũng chịu vì đó là chuyện bình thường của quân đội; vì tôi và
anh em trên đảo sẽ được cứu nên tôi tìm cách ẩn trốn vào một bụi cây rậm
rạp trên đảo, do đó khi chúng đã bắt hết các anh em, chúng kiểm soát
danh sách và biết rằng còn thiếu một viên Thiếu tá là tôi, cả một Tiểu
đoàn lính Trung Cộng dàn hàng ngang lùng sục làm sao mà tôi thoát được,
và tôi bị chúng bắt sống lúc xế trưa..
Cuộc đời tù binh
Sau
khi Trung Cộng bắt được tôi, chúng không đánh đập nhưng có dọa nạt và
áp đảo tinh thần. Khoảng 2, 3 giờ chiều chúng cho chúng tôi ăn cơm, ăn
với thịt heo của anh em Địa Phương Quân nuôi, như tôi đã trình bày ở
phần trước, nói là thịt heo nhưng thật sự chỉ có mỡ thôi, còn nạc bọn
lính Trung Cộng ăn hết rồi. Ăn xong nó nhốt chúng tôi trong căn nhà có
lẽ trước đây dùng chứa phân chim hay làm cái gì đó tôi không biết rõ.
Đến khuya chúng nó bắt tất cả anh em ra xếp một hàng dọc ngoài sân. Tôi
nghĩ trong đầu chắc chúng đem đi xử bắn. Một vài anh em trong bọn tôi có
vẻ lo lắng, thấy thế tôi mới trấn an: “Các anh cứ bình tĩnh, dù chúng
ta có chết cũng chết cho tổ quốc, đừng sợ, cứ bình tĩnh và giữ khí phách
của một người lính VNCH”. Nhưng cuối cùng chúng không bắn ai hết!
Di chuyển qua Trung Quốc
Gần
rạng sáng chúng cho chúng tôi lên tàu, tôi nghe ngoài biển có nhiều
tiếng lào xào, nhìn ra thì thấy nhiều chiếc dzu dzu đang chèo vô bờ. Nó
chuyển chúng tôi cứ 4, 5 người xuống một xuồng cao su (dzu dzu) và đưa
ra tàu Kronstad. Nhóm sĩ quan nó đưa riêng lên một tàu, mấy chục anh em
Hạ sĩ quan, binh sĩ lên các tàu khác và tàu bắt đầu di chuyển. Khoảng
trưa hôm sau, tức là trưa 20-1-1974, chúng tôi tới đảo Hải Nam. Nó cho
tôi lên bờ trước, sau đó mới đưa các anh em còn lại lên, rồi nó đưa đám
sĩ quan vào phòng ăn riêng gồm tôi và 1 Trung úy Hải Quân, 1 sĩ quan Địa
Phương Quân, 2 sĩ quan Công Binh và anh Kosh, cả thảy là 6 người. Sau
khi ăn cơm xong, chúng đưa chúng tôi ra phi trường để bay về Quảng Châu.
Khi lên máy bay chúng đưa tên Kosh lên ngồi trên cabin, còn anh em
chúng tôi ngồi ở khoang dưới. Đến Quảng Châu trời đã tối. Riêng nhóm Hạ
sĩ quan, binh sĩ và nhân viên đài Khí tượng chúng nhập chung thành một
toán cho xuống tàu lớn chở về sông Châu Giang cũng thuộc thành phố Quảng
Châu.
Hôm
sau tất cả đám tù binh gồm 49 người, tính luôn cả anh Kosh người Mỹ;
trong đó có 23 chiến sĩ Địa Phương Quân, 6 người toán chúng tôi, 5 nhân
viên Khí tượng và 14 quân nhân Hải quân, có thêm một sĩ quan nữa là HQ.
Trung úy Nguyễn Văn Dũng.
Tôi
bị gọi lên lấy khẩu cung nhiều lần, chúng cố tình khai thác tôi về tổ
chức quân đội VNCH, nhưng tôi viện lý do “bí mật quân sự”, phòng nào
biết phòng đó, tôi chỉ nói một cách tổng quát và cứ lập đi lập lại rằng,
bên quân đội chúng tôi bảo mật rất kỹ, tôi chỉ biết danh số có những
phòng gì, còn mỗi phòng có những ai, làm việc gì, điều đó tôi không
biết. Tôi thấy nó chú tâm vào anh Hải quân Trung úy nhiều hơn tôi, có lẽ
muốn điều tra, khai thác kỹ về Hải quân của ta để dự phòng những trận
hải chiến sau này có thể xảy ra.
Sau
khi bị giam một tuần lễ, chúng lựa ra mỗi toán một người để thả. Người
đầu tiên là anh Kosh, chúng cho biết anh này bị một bệnh mà họ gọi
nguyên văn là “mãn tính kinh niên” nên cho về sớm, bên Khí Tượng thả một
người, bên Địa Phương Quân thả một người, bên Hải quân thả một anh bị
thương nhẹ.
Vai trò của ông Kosh trong âm mưu của Mỹ
Lần
xuống đảo trước, tôi và anh Kosh này ngồi bên nhau, anh ta kể, anh là
Trung úy Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh, anh làm cho Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ.
Lần này anh đi với tôi trong vai trò giám định để xem thực hiện phi
trường tốn phí ra sao và đề nghị Tòa Tổng Sự chi trả.
Trên
nguyên tắc thì như vậy, nhưng thực tế đây chỉ là phi trường ảo mà thôi,
không có thật, anh ta đi với chúng tôi trong một sứ mạng đặc biệt đã
được Hoa Kỳ và Trung cộng bí mật dàn dựng từ trước. Sứ mạng đó là dùng
chúng tôi làm con cờ thí, làm vật tế thần cho Trung cộng có cớ xâm lăng
Hoàng Sa. Đây là điều bí mật từ trước tới nay chưa có báo chí nào loan
tải. Chúng ta hãy xem thái độ và cách hành xử của anh Kosh này cũng như
sự đối xử của nhà cầm quyền Trung cộng thì sẽ rõ.
Trên
giấy tờ, anh này đi công tác với chúng tôi chỉ có vài ngày, nhưng khi
anh mở cái sắc của anh ra, trong đó có đến hai cây thuốc lá. Nếu tính
thời gian công tác, anh hút nhiều lắm cũng chỉ 5, 6 gói thuốc, vậy anh
mang tới 20 gói thuốc để làm gì? Ngoài thuốc lá, trong sắc tay của anh
có đầy đủ dụng cụ mưu sinh thoát hiểm như lưỡi câu, thuốc chống cá mập.
Sau khi bị bắt, trong buổi chiều ngồi cạnh tôi trên đảo, anh mở một hộp
cá ra ăn, anh mời tôi một lát cá. Tôi để ý thấy hộp cá nhỏ và mỏng hơn
hộp cá mòi Sumaco của Marốc, anh đưa cho tôi một lát mỏng như miếng khô
mực đã bị ép rất sát, anh nói với tôi: “Anh ăn đi, no đấy!” Tôi nghĩ anh
chàng này đùa dai, miếng cá mỏng dính và nhỏ xíu thế này làm sao no.
Vậy mà khi ăn xong, tuy không no thiệt nhưng mà ngang dạ liền. Tiếp theo
là sự kiện anh đang ở trên HQ16 lại đòi lên bờ và bảo ở dưới tàu nguy
hiểm quá, mà lúc đó trận hải chiến chưa xảy ra. Phải chăng anh đã biết
trước sẽ có hải chiến và ở trên tàu khi đánh nhau thì nguy hiểm thật,
nên lên đảo để quân Trung Cộng làm bộ bắt cho chắc ăn hơn, và chúng ta
thấy, người đầu tiên Trung Cộng thả là anh chàng Kosh này. Nói đến đây,
tôi cũng xin mở dấu ngoặc là bây giờ biết anh chàng này đóng vai trò gì
trong kế hoạch của Mỹ, nhưng tôi cũng phải cám ơn anh ta, nếu anh không
đòi xuống đảo, thì tôi ở trên chiến hạm HQ16 cũng không còn sống trên
cõi đời để thuật lại chuyện bí mật này, vì khi ở trên tàu, tôi cứ thích
đứng ở trên cái pháo tháp, mà khi hải chiến xảy ra, pháo tháp của HQ16
đã bị trúng đạn Trung Cộng.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) đãi tiệc Tổng thống Mỹ Richard Nixon
trong chuyến thăm lịch sử năm 1972 - Ảnh: Corbis\
Sự đổi chác giữa Mỹ và Trung Cộng
Khoảng
10 giờ sáng, sau khi chúng tôi bị đưa vào trại giam có tên là “Trại Thu
Dung Tù Binh” thuộc Huyện Hoàng Hóa, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng
Đông thì có một toán cán bộ Trung Cộng đến. Đám này nói tiếng Việt rất
rành và hầu hết đều nói giọng Bắc, dấu hỏi, dấu ngã phân minh, chính
xác. Một tên trưởng toán nói với chúng tôi: “Hiện bây giờ Tiến sĩ
Kissinger của Mỹ đang ngồi ở Bắc Kinh, chiều hôm nay mọi người sẽ biết
tin này, chúng tôi sẽ mang đến đây một chiếc radio mở cho các anh nghe”.
Buổi
chiều họ mang radio đến và mở cho chúng tôi nghe, đồng thời mở luôn cả
đài phát thanh Úc Đại Lợi cho nghe luôn. Trong bản tin của đài phát
thanh Trung Cộng có loan thế này: “Trong cuộc chiến đấu, chí nguyện quân
Trung Quốc đã bắt được một đám tù binh miền Nam Việt Nam, trong đó có
tên Thiếu tá Phạm Văn Hồng”. Hồi đó nếu ai có theo dõi tin tức trên các
đài phát thanh cũng đã nghe thấy như vậy. Điều đó cho thấy rõ ràng có âm
mưu dàn xếp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Mỹ muốn dùng Hoàng Sa của VNCH
làm món quà để bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng. Muốn trao Hoàng
Sa cho Trung Cộng, chính quyền Hoa Kỳ thời bấy giờ phải tạo ra một cuộc
chiến, để Trung Cộng có cớ xâm chiếm Hoàng Sa, và VNCH chúng ta tuy mắc
bẫy, nhưng chúng ta đã cho Hoa Kỳ, Trung Cộng và cả thế giới thấy tinh
thần yêu nước của chúng ta như thế nào. Hải quân chúng ta dám đương đầu
chống Hải quân xâm lược hùng mạnh hơn mình gấp bội. Chúng ta đã anh dũng
và hy sinh nhiều sĩ quan, binh sĩ Hải quân cũng như thiệt hại một số
chiến hạm, nhưng chúng ta cũng đã đánh chìm một số tàu Trung Cộng tương
đương và chắc chắn nhiều tên gọi là chí nguyện quân của chúng đã bị tử
thương.
Thêm bằng chứng về âm mưu giữa Mỹ và Trung Cộng trao đổi Hoàng Sa
Trước
khi kể cho anh nghe chuyện trao trả tù binh, tôi cần nói thêm chuyện
này: Sau khi về đến Việt Nam, tôi gặp Trung tá Lâm (khóa 10 Võ Bị
Đàlạt), Trung tá Lâm nói với tôi: “Không quân của mình đã chuẩn bị sẵn
sàng từ phi trường Biên Hòa bay ra Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng bay ra Hoàng
Sa oanh kích, và các phi công cũng chấp nhận sẽ chơi theo kiểu Nhật,
khi phi cơ bay ra Hoàng Sa thì đủ nhiên liệu nhưng lúc về thì không, do
đó các anh phi công sẽ bỏ phi cơ và nhảy dù xuống biển, tàu của Hải quân
ta ứng trực sẵn sàng để tiếp cứu. Mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đấy,
nhưng phút chót lệnh này bị hủy bỏ!”
Thêm
nữa, có Đại tá Lê Khắc Lý (ông này đang ở Nam California), lúc đó Đại
tá Lê Khắc Lý là Tham Mưu Trưởng tiền phương Quân Đoàn I, Trung tướng
Lâm Quang Thi là Tư Lệnh tiền phương, Trung tướng Ngô Quang Trưởng là Tư
Lệnh Quân Đoàn I ở Đà Nẵng; các vị này gọi tôi ra thuyết trình hai lần,
buổi sáng cho các cơ quan hành chánh Thừa Thiên – Huế, buổi chiều cho
các quân nhân đồn trú nghe về trân chiến Hoàng Sa tại Phú Văn Lâu.
Sau
buổi thuyết trình, Đại tá Lê Khắc Lý vỗ vai tôi và nói: “Toa à, cố vấn
mới nói chuyện với moa, moa bảo nó: ‘Tôi không hiểu tại sao Trung Cộng
nó lại đánh chiếm Hoàng Sa?’ Cố vấn Mỹ đã ‘hố’ khi trả lời tôi: ‘Trung
cộng lấy Hoàng Sa, anh ngạc nhiên lắm à?’, moa mới nói trớ đi: ‘Không, ý
tôi nói là tại sao nó lại chiếm vào lúc này?’” Rồi Đại tá Lý nói tiếp:
“Toa thấy không, tụi nó có kế hoạch cả rồi, nó đã sắp xếp hết rồi!”
Thời
đó Ngoại Trưởng Henry Kissinger chuyên môn đi đêm, và Tổng Thống Mỹ
Richard Nixon muốn bắt tay với Trung Cộng thì phải có một cái gì đó. Tôi
nghĩ món quà chính người Mỹ muốn tặng Trung Cộng là Hoàng Sa của ta,
bởi Trung Cộng muốn làm chủ Biển Đông mà Mỹ giao Hoàng Sa cho Trung
Cộng, họ đâu có mất gì, chỉ tội nghiệp cho đất nước Việt Nam chúng ta là
thân phận một nước nhược tiểu!
Cách đối xử của Trung Cộng với tù binh
Phải
công bằng mà nói, viết lịch sử thì phải viết trung thực, không nên viết
theo kiểu tuyên truyền, cho nên tôi nói rất thật là Trung Cộng hơn hẳn
Việt Cộng trong cung cách đối xử với tù binh. Họ cho chúng tôi ăn uống
theo quy chế tù binh chiến tranh đã được quốc tế qui định, như tôi mang
cấp bậc Thiếu tá thì để tôi ở một phòng riêng, bốn Trung úy thì cứ hai
ông một phòng, như vậy chúng tôi có ba phòng ở liền nhau, còn ông Kosh
người Mỹ một phòng riêng. Mỗi ngày họ đem đồ ăn lên tận phòng cho chúng
tôi, còn anh em Hạ sĩ quan và binh sĩ thì ăn ở nhà ăn tập thể của quân
đội Trung Cộng. Sau thời gian 2, 3 tuần phải học tập mỗi ngày vào buổi
tối để nghe cán bộ Trung Cộng tuyên truyền thế này thế nọ. Tuần lễ thứ
tư họ dẫn chúng tôi đi thăm vài nơi (mấy anh chàng Trung Cộng nói tiếng
Bắc, bảo là dẫn chúng tôi đi tham quan). Đầu tiên thăm một Bệnh viện rồi
thăm mấy hợp tác xã. Tôi để ý, hầu như tất cả các nơi gọi là Trụ Sở Hợp
Tác Xã đều là những ngôi chùa xưa kia, bởi vì kiểu dáng là chùa, chữ
đắp trên tường tuy bị đục bỏ hết nhưng vẫn còn dấu tích rõ ràng, điều đó
cho thấy tín ngưỡng đã bị đè bẹp tại nước Cộng Sản đông dân nhất thế
giới này!
Sau
khi thăm các hợp tác xã, họ dẫn đi thăm nhà máy cơ khí. Tại đây họ giới
thiệu là nơi đúc các khẩu Thượng liên và súng AK, sau đó lại dẫn đi xem
nhà máy làm xe đạp, gọi là xe đạp Hồng Kỳ thì phải, rồi thăm một vài cư
xá của công nhân. Tôi có hỏi một công nhân, lương hàng tháng được bao
nhiêu, thì người công nhân nói được trên 100 Nhân dân tệ, trong lúc đó
chiếc xe đạp Hồng Kỳ trị giá 130 Nhân dân tệ, cho ta thấy mức sống của
một công nhân trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc như thế nào.
Trao trả tù binh
Tôi
còn nhớ hôm đó là thứ Bảy, có lẽ ngày 16, 17 tháng 2 năm 1974, sau khi
cho chúng tôi ăn uống xong, họ tập trung lại và tuyên bố sẽ trả chúng
tôi về Việt Nam. Họ phát cho mỗi người một bộ quần áo màu xanh và cái mũ
mà anh em chúng tôi gọi đùa là cái bánh tiêu. Một tên cán bộ hỏi tôi
muốn về miền nào, Bắc hay Nam Việt Nam. Tôi trả lời: “Chúng tôi là
người Việt Nam, Bắc hay Nam đều là tổ quốc tôi, nhưng hiện tại hai miền
có hai thể chế khác nhau, tôi không chấp nhận chế độ của miền Bắc, tôi
yêu cầu trả chúng tôi về miền Nam”.
Họ
đưa chúng tôi từ huyện Hoàng Hóa về thành phố Quảng Châu, đường dài hơn
40 cây số, rồi lại từ Quảng Châu đưa ra Tô Giới tức là Thẩm Quyến để
trao trả chúng tôi tại Hồng Kông.
BiAnHoangSa_04.jpg
Giây phút cảm động gặp lại vợ con - ảnh do Thiếu tá Phạm Văn Hồng cung cấp
Ngay
khi chúng tôi bước qua lằn ranh từ Thẩm Quyến sang Hồng Kông, người đầu
tiên chúng tôi gặp là ông Tổng Lãnh Sự VNCH tại Hồng Kông. Ông niềm nở
đón tiếp chúng tôi và cho người mang đến cho tất cả anh em chúng tôi mỗi
người một bộ quần áo dân sự mới toanh. Khi lên xe buýt ra phi trường
Khải Đức, chúng tôi vứt bỏ lại trên xe bộ quần áo xanh do Trung Cộng cấp
phát và thay đồ dân sự.
Ra
đến phi trường, chúng tôi hết sức xúc động thấy Phó Đề Đốc Lâm Ngươn
Tánh, Tư Lệnh Phó Hải Quân và một sĩ quan cao cấp bên Tổng Cục Chiến
Tranh Chính Trị (tôi không nhớ tên) đến đón. Vị này mang cho chúng tôi
quân phục đầy đủ, ai binh chủng gì thì mặc quân phục binh chủng đó, ông
còn mang cho tôi cặp lon Thiếu tá nữa. Chúng tôi lại thay đồ dân sự và
mặc quân phục về nước. Chính phủ VNCH thuê nguyên một chuyến Boeing 727
của Hàng Không Việt Nam qua Hồng Kông đón chúng tôi trở về sau một tháng
bị Trung Cộng bắt làm tù binh.
Về
đến phi trường Tân Sơn Nhất, ngoài thân nhân, chúng tôi còn được đại
diện các cơ quan chính phủ và quân đội đón tiếp, choàng vòng hoa và đưa
về trại an dưỡng Lê Văn Duyệt để nghỉ ngơi. Câu chuyện bí ẩn trận Hoàng
Sa và cuộc đời tù binh của tôi kết thúc.
BiAnHoangSa_05.jpg
Choàng vòng hoa sau ngày trở về - ảnh do Thiếu tá Phạm Văn Hồng cung cấp
Trước khi chia tay với Thiếu tá Phạm Văn Hồng, chúng tôi xin phỏng vấn ông thêm mấy câu.
Viễn Đông: Sau khi miền Nam rơi vào tay Việt Cộng, lúc đó Thiếu tá đang ở đâu?
Th/t.
Phạm Văn Hồng: Tôi phục vụ tại Đà Nẵng, và Đà Nẵng bị bỏ ngỏ ngày
29-3-1975, ngày 5-4-1975, tôi bị bắt ngay đưa vào trại tù gọi là cải
tạo.
Viễn Đông: Thiếu tá bị giam giữ đến ngày nào thì được thả về?
Th/t. Phạm Văn Hồng: Việt Cộng thả tôi vào tháng 2 năm 1982.
Viễn
Đông: Trong thời gian bị tù, cán bộ Việt Cộng có tra vấn gì về vụ Hoàng
Sa cũng như thời gian Thiếu tá bị bắt làm tù binh ở Trung Cộng?
Th/t.
Phạm Văn Hồng: Không những bọn cán bộ mà ngay cả rất nhiều anh em cùng
cảnh ngộ như tôi đều hỏi vụ này, đến nỗi tên tôi được anh em gọi là
“Hồng Hoàng Sa”. Một hôm trong buổi gọi là “tọa đàm” anh em có nêu vấn
đề Hoàng Sa ra hỏi tên cán bộ cao cấp từ Trung Ương đến chủ tọa; tên này
ấp úng và sau một phút suy nghĩ hắn nói: “Chuyện Hoàng Sa, Đảng và nhà
nước ta đã có hướng giải quyết cụ thể và đã giải thích trên báo Quân Đội
Nhân Dân số... ngày…” rồi y chuyển qua đề tài khác ngay.
Viễn Đông: Khi được về với gia đình, Thiếu tá làm gì, ở đâu cho đến khi sang định cư tại Hoa Kỳ?
Th/t.
Phạm Văn Hồng: Khi ra khỏi tù, tôi không về trình diện, tôi trốn lên
Sài Gòn và tìm cách vượt biên. Tôi vượt biên tổng cộng 25 lần không
thoát, ba lần bị bắt vào tù tiếp. Sau đó tôi trốn sang Campuchia, ghi
tên giả làm Việt kiều yêu nước, mục đích để tránh theo dõi. Khi bộ đội
Việt Cộng rút về nước năm 1990, tôi xin được giấy Chứng nhận là Việt
Kiều yêu nước do tòa Đại sứ Việt Cộng ở Campuchia cấp, thế là tôi về
nước an toàn và cho tạm trú tại Sài Gòn. Tôi lén gửi hồ sơ sang Bangkok,
Thái Lan. Đến khi có lệnh nộp hồ sơ đi Mỹ theo diện HO, tôi được xếp
vào danh sách HO 39 nhưng khi họ đối chiếu với hồ sơ tôi nộp lén ở
Bangkok, thấy khớp nhau nên họ đôn lên HO 29 và gia đình tôi qua Mỹ vào
năm 1995.
Viễn Đông: Qua sự kiện Hoàng Sa, Thiếu tá muốn nói thêm điều gì còn trăn trở chưa nói ra được?
Th/t.
Phạm Văn Hồng: Chuyện dĩ vãng đã đi vào lịch sử, nhiều người đã kể lại
trận chiến Hoàng Sa với đầy đủ chi tiết, và chúng ta sẽ còn nghe nhiều
lần khác nữa, vẫn không thừa, vì đó là những điều chúng ta cần nói để
vinh danh các chiến sĩ Quân Lực VNCH, đặc biệt binh chủng Hải Quân, để
các thế hệ con em chúng ta biết về cha ông của chúng đã không hổ thẹn
với tiền nhân, với Quang Trung – Nguyễn Huệ… Tôi không thuộc binh chủng
Địa Phương Quân nhưng có một điều tôi mong ước, đó là khi vinh danh các
anh hùng gìn giữ bờ cõi tổ quốc, chúng ta đừng quên các chiến sĩ Địa
Phương Quân cũng như các anh em chuyên viên Khí Tượng, họ đã đóng góp
phần mình vào việc gìn giữ một phần hải đảo thiêng liêng của tổ quốc, họ
đáng được tổ quốc ghi công bên cạnh tất cả các chiến sĩ Quân Lực VNCH
đã vị quốc vong thân.
Thiếu tá Phạm Văn Hồng và bức tranh “Gấu Trúc”
do nhà cầm quyền Trung cộng tặng cho ông
lúc trao trả tù binh - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
Thanh Phong/Viễn Đông
WESTMINSTER
- Để chuẩn bị cho việc tổ chức Ngày Tưởng Niệm Hoàng Sa, Hội Hải Quân
Cửu Long đã tổ chức bữa cơm thân mật với các Đoàn thể và báo giới vào
trưa ngày Chủ nhật 13-12-2009 vừa qua tại Paracel Seafood Restaurant.
Trong bữa cơm trưa này, được sự giới thiệu trước của Thiếu tá Hồ Đắc
Huân, chúng tôi gặp Thiếu tá Phạm Văn Hồng, Sĩ Quan Lãnh Thổ Phòng 3,
Quân Đoàn I, người bị Trung cộng bắt làm tù binh trong trâïn hải chiến
Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Cộng vào ngày 19-1-1974.
Sau bữa cơm, Thiếu tá Phạm Văn Hồng đã kể cho Phóng viên Viễn Đông nghe
câu chuyện của 35 năm về trước với nhiều tình tiết khá đặc biệt mà ông
chưa hề phổ biến trên báo chí. Sau đây là câu chuyện chúng tôi ghi lại
theo lời kể của ông (đã có hiệu đính từ phiên bản trước đây)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét