18 tháng 1, 2019

Trống Đồng Việt Nam

(theo tin VNVH)

Trống đồng Việt Nam phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn… đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Sông Bé, Khánh Hòa, Vũng Tàu… vào tận vùng hải đảo xa xôi Phú Quốc. Ngoài ra, bằng con đường giao lưu văn hóa hoặc trao đổi, trống đồng Việt Nam vượt biên giới đến những nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, Malaysia…
Trống đồng Việt Nam có nhiều loại hình, nhưng tất cả khởi nguồn từ trống Đông Sơn mà đỉnh cao là sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng Ngọc Lũ. Trống đồng Việt Nam có niên đại khởi đầu khoảng thiên niên kỷ I trước Công nguyên cho đến một vài thế kỷ sau công nguyên. Nó là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ, cộng đồng cư dân đã chinh phục vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, một vùng đất chứa nhiều sản vật thiên nhiên nhưng cũng đầy thử thách. Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo hiếm có đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á.
Trống đồng là biểu hiện tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta – Nhà Nước Hùng Vương. Trống đồng và những hình khắc họa trên trống đã giúp chúng ta ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ ở thời xa xưa ấy. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Nó được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để làm một trong những cơ sở khoa học trong phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.
trongdong_Trống Đồng Đông Sơn
Trống Đồng Đông Sơn: là một loại nhạc cụ dùng trong các buổi lễ hay khi đi đánh nhau. Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, như Thanh Hóa (Đông Sơn, 24 trống), Hà Đông (9 trống), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi tỉnh 3 trống), Hà Nam, Hà Nội, Hoà Bình, Kiến An (mỗi nơi 2 trống), Nam Định, Lào Cai, Sơn Tây, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, Thủ Dầu Một, Kontum (mỗi nơi một trống). Ở Hoa Nam thì tìm thấy nhiều nhất, ở Vân Nam (5 trống). Các tỉnh khác thì Quế Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên (mỗi tỉnh tìm thấy 3 trống), Quảng Đông (2 trống). Tại Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương cũng thấy nhiều trống đồng cổ. Riêng Thái Lan và Lào cũng như ở xứ Mường (thượng du Việt Nam) ngày nay người ta vẫn còn dùng trống đồng. Trống đồng đẹp nhất phải kể đến các trống Ngọc Lũ, Hoà Bình, và Hoàng Hạ.
Trống đồng Ngọc Lũ.
Trống đồng Ngọc Lũ.
Trống Đồng Ngọc Lũ: tìm thấy ở chùa Ngọc Lũ (Hà Nam) vào năm 1901. Trống này cao 0,63 mét (1.8 ft), đường kính mặt trống 0,86 mét (2.5 ft), được trang trí bằng các hình chạm sâu xuống cả trên mặt trốnglẫn tang trống. Chính giữa mặt trống là một hình ngôi sao (hay mặt trời) 14 cánh. Chung quanh ngôi sao này là 16 vòng tròn đồng tâm có trang trí bằng nhiều hình kỷ hà hay hình vẽ khác nhau. Giữa vòng thứ 5 và thứ 6 có khắc hình 2 căn nhà mái cong, có sàn, trong có người tóc dài ngồi. Trước nhà là 4 dàn trống và đoàn vũ nhạc nhảy múa, thổi khèn. Sau nhà có 2 người đang giã gạo. Xen kẽ với 2 nhà sàn trên là 2 nhà sàn mái tròn trong có người cầm kiếm. Trước nhà này có một người tay phải cầm kiếm, tay trái cầm một con chim. Sau nhà là một đoàn võ sĩ cầm lao, cầm kiếm đang múa. Giữa vòng thứ 7 và thứ 8 có chạm hình 2 đ àn hươu (10 con mỗi đ àn) và xen kẽ với 2 đ àn chim đang bay (mỗi đ àn 8 con). Giữa vòng thứ 8 và thứ 9 có khắc 18 con chim mỏ dài đang bay, xen kẽ với 18 con chim đang đậu dưới đất. Trên tang trống, phần phình ra có khắc hình thuyền trên có những người cầm lao, kiếm, cung, đang chuẩn bị chiến đấu, hoặc đang nhảy múa hoặc chèo thuyền. Trên phần thẳng đứng có những đường trang trí kỷ hà thẳng đứng hay nằm ngang đóng khung lấy những hình người cầm rìu và lá chắn.
Trống Đồng Hòa Bình: tìm thấy ở Mường Dâu, Hòa Bình. Trống này được gọi là trống Moulié (tên người mua được và tặng lại cho Viện Bảo Tàng). Trống này được tàng trữ trong Bảo Tàng Quân Đội Pháp, rồi được chuyển cho Bảo Tàng Viện Guimet (Paris).
Trống Đồng Hoàng Hạ.
Trống Đồng Hoàng Hạ.
Trống Đồng Hoàng Hạ: tìm thấy ở làng Hoàng Hạ (Hà Đông), cao 0,615 mét (1.84 ft) và đường kính mặt trống là 0,78 mét (2.3 ft). Mặt trống đồng Hoàng Hạ cũng trang trí bằng các vòng tròn đồng tâm trong đó có khắc hình nhà sàn, người, chim bay. Tang trống chỗ phình ra cũng khắc hình thuyền. Các nhân vật trên thuyền tương tự như ở trống Ngọc Lũ, nhưng thứ tự bố trí hơi thay đổi một chút. Các trống đồng tìm thấy ở Hoa Nam, Lào, Cam bốt, Mã Lai tuy về hình thức (hình dáng và trang trí) có giống trống đồng Lạc Việt, nhưng những nét chạm trổ còn thô sơ vô cùng. Có thể đấy chỉ là những trống bắt chước trống Lạc Việt một cách vụng về mà thôi. Trống đồng Hoàng Hạ là một di vật rất quý.
Trống là một cổ vật của chung miền Nam Á, gồm cả Tầu, Việt, Miên, Thái, Phi, Miến, Mã Lai, Nam Dương… mà trung tâm phát xuất lớn nhất là Việt Nam. Trống đã xuất hiện lu bù ngay từ thời khuyết sử, dưới rất nhiều hình thức như trống đất, trống gỗ, trống đồng, trống cầu mưa, trống sấm, trống vu hích, trống cầm canh… kể ra không hết.
Huyền thoại có nói đến trống da quì (giao long) của Hoàng Đế, trống một chân của nhà Hạ (túc cổ), trống có lỗ thông giữa của nhà Thương (doanh cổ)… lịch sử Tư Mã Thiên có nhắc tới vụ vua nhà Chu cho Tần Mục Công một chiếc trống đồng vào năm 623 trước công nguyên. Riêng với Việt Nam, năm 43, lúc Mã Viện sang đánh Trưng Nữ Vương đã thu hết trống đồng đưa về tặng bạn bè, hoặc phá ra đúc ngựa mẫu. Từ đấy, trống bị quên lãng dần dưới ách ngoại bang…
Trong Lĩnh Nam Trích Quái, có truyện “Minh chủ Đồng cổ sơn thần truyện” nhắc tới trống theo khía cạnh này. Đến thời Pháp thuộc, vào lối 1885-1895, thực dân mới nhận ra trống đồng là một di vật rất quý, nên tìm mua khắp nơi. Xin ghi lại đây mấy chiếc nổi tiếng. Trước hết là 2 chiếc loại thời danh nhất:
Một, do Moulié lấy được của bà góa quan lang người Mường ở miền Sông Đài tỉnh Hoà Bình. Chiếc này được đem trưng bày ở Hội Chợ Quốc Tế Paris 1889 rồi mất tích. Đến năm 1936 thấy xuất hiện ở bảo tàng viện Guimet.
Hai, là chiếc trống Khai Hóa, do Gillet lấy được ở một tù trưởng Miêu tộc trên Vân Nam, cũng đưa đi đấu xảo ở Paris, rồi mất tích. Sau thấy xuất hiện ở bên Đức, tại bảo tàng viện dân tộc học thành Vienne.
Chiếc trống đồng thứ baTrống Ngọc Lũ của chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam. Năm 1901, trường Viễn Đông Pháp đã nhờ trung gian chánh sứ Phủ Lý lấy trống ấy về Viễn Đông Bác Cổ, nay ở Hà Nội.
Chiếc trống thứ tưTrống Hoàng Hạ, tìm được vào năm 1932, nhân lúc khai sông gần làng Hoàng Hạ, tỉnh Hà Đông. Trống được trao cho trường Viễn Đông Pháp, để ở bảo tàng viện Finot, nay cũng ở Hà Nội. Đó là cặp trống đẹp nhất, cổ nhất, hơn cả 2 trống Sông Đà và Khai Hóa…
Có thể kể ở đây chiếc trống thứ năm, gọi là Trống Hà Nội, được Anderson mua, đưa về Stockhom. Và chiếc thứ sáuTrống Lào, tìm được bên đường cái Oubon bên Lào vào năm 1924. Theo Goloubew, chiếc trống này rất đẹp, cũng vào hạng cổ nhất, vì ít bị kiểu thức hóa. Mặt trống rộng 86 cm, cao 54 cm. Vòng 1 có 5 cặp vật giống giao long châu đầu vào nhau. Có nai và cả cá nữa.
Về loại to nhất có trống Đông Hiếu (Nghệ An) rộng 89 cm, hiện ở Hà Nội. Theo Goloubew, còn một chiếc trống rộng tới 1 mét (3 ft) của một tay chơi người Pháp tên là Nelson trước ở Bắc Xế, Lào. Nghe nói ở bên Mỹ có một trống to cả thước mặt, hay là chiếc trống nói ở đây chăng? (Chúng tôi thấy có một trống rất lớn ở bảo tàng Chicago. Hay là chính nó?). Phân Loại Trống Đồng Bên Tây Âu có dấu vết đã biết về trống đồng từ năm 1682 (xem Asie du Sud Asiatique, Tome II Le Vietnam, L. Bezacier, Paris, Picard 1972).
Nhưng mãi tới cuối thế kỷ 19 mới có học giả bàn về trống đồng như Hirth (1890) mà ông cho là bởi Tầu. Rồi De Grooth (1901) cho là của Việt Tộc. Ông Franz Heger, một học giả người Đức làm cố vấn trong hội nghị nghiên cứu về Viễn Đông ở Hà Nội năm 1902 đã cho xuất bản tại Leipzig 2 quyển về trống đồng cổ ở Đông Nam Á. Sách in khổ lớn, có 45 hình và một bản mục lục về tất cả các diễn đề. Ông Heger chống lại ý kiến của Hirth cho trống đồng là sản phẩm của Tầu, ủng hộ ý kiến của Grooth cho là của Việt Tộc, quả quyết trung tâm các cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở Bắc Việt, và xin người Pháp chú ý đến di vật đầy tính chất văn hóa này.
Ông Heger phân chia 165 chiếc trống được biết đến lúc ấy thành 4 loại. Vì sự phân chia này được các học giả công nhận, nên chúng ta cần duyệt qua để có một ý niệm khái quát:
Loại I thường lớn, thân trống hình trụ thẳng đứng. Mặt dưới để trống, mặt trên có hình sao đúc nổi với 12 cánh. Trên một số trống, chỉ có 8 cánh sao, như trống Quảng Xương. Hoặc 14 cánh như trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Thượng Lâm. Hoặc 16 cánh như trống Hoàng Hạ, Salayar. Loại I này tìm được nhiều nhất ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, và Sông Đà.
Loại II thân trống chỉ có 2 phần, không có hình người hay vật nữa, thay vào đó toàn là hoa văn hình học. Trên mặt trống thường có hình khối 4 con cóc, đôi khi 6 con. Mặt trời có 8 tia. Loại này tìm thấy nhiều ở Việt Nam cũng như mạn Nam Trung Hoa.
Loại III quai nhỏ đẹp. Mặt trời có 12 cánh. 4 góc mặt có cóc, thường là 3 con chồng lên nhau thành 12. Trang trí toàn bằng đồ án hình học và hoa văn. Dưới chân có đoàn voi đúc nổi đi chung quanh cây “đời sống”. Đôi khi ốc thay voi. Người ta tìm thấy loại này ở Miên.
Loại IV riêng của Tầu như được chứng tỏ bằng hồi văn gẫy khúc. Kích thước thường nhỏ, không có cóc. Ngôi sao bao giờ cũng 12 tia, nhiều khi nói rõ tên 12 con vật địa chi. Loại này cũng như loại III, đều xuất hiện muộn, nhưng chưa xác định được niên đại.
Ngoài 4 loại trên có thể kể thêm loại Trống Trấn Ninh (Vân Nam) mới tìm được hồi năm 1955, trên mặt có những khối hình người và thú (bò, ngựa, chó) diễn lại những cảnh sống: săn, chiến, lễ… Loại này khác hẳn ở chỗ thân trống cao, trên mặt thêm nhà cùng hình khối, quai là 2 con hổ.
Trống Đồng Sông Đà.
Trống Đồng Sông Đà.

Trống Đồng Cổ Loa.
Trống Đồng Cổ Loa.

Mặt Trống Đồng Ngọc Lũ.
Mặt Trống Đồng Ngọc Lũ.

Trống đồng Đông Sơn.
Trống đồng Đông Sơn.
 
Hoa văn chim trên Trống Đồng.
Hoa văn chim trên Trống Đồng.
Hình nai trên Trống Ngọc Lũ.
Hình nai trên Trống Ngọc Lũ.
Hình Muá Hát trên mặt trống.
Hình Muá Hát trên mặt trống.
Hình chồn trên Trống Miếu Môn.
Hình chồn trên Trống Miếu Môn.
trongdong_Hình các loại chim
Hình thuyền trên thân thạp Đào Thịnh.
Hình thuyền trên thân thạp Đào Thịnh.
Hình hoa văn trên Trống Hoàng Hạ.
Hình hoa văn trên Trống Hoàng Hạ.
trongdong_Hoa văn trên các Trống Hoành Hạ, Ngọc Lũ, Miếu Môn
trongdong_Hình thuyền trên Trống Đồng Hoành Hạ
trongdong_Hình thuyền trên thân trống Ngọc Lũ
(Chu Mạnh Quyền-Phòng Nghiên cứu-Sưu tầm)
Trống đồng Đông Sơn là di vật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Trong 90 năm qua, kể từ ngày phát hiện văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn luôn được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả các khía cạnh. Tuy nhiên, về chức năng cũng như cách thức sử dụng của trống đồng Đông Sơn vẫn chưa thực sự đồng nhất các quan điểm. Có ý kiến cho rằng, đây đơn thuần chỉ là một nhạc khí, nhưng cũng có ý kiến lại cho đây là vật biểu trưng quyền lực hoặc vừa là nhạc khí vừa là biểu trưng quyền lực. Song, xét về chung mọi ý kiến thì trống đồng là một loại nhạc khí được nhiều người công nhận hơn cả.
Là nhạc khí thì việc sử dụng nó được tiến hành ra sao? Vấn đề này cũng được các nhà khoa học dày công nghiên cứu. Việc nghiên cứu chủ yếu dựa trên các tư liệu về khảo cổ học và dân tộc học.
Thông qua các tư liệu về khảo cổ học
Trên khía cạnh khảo cổ học, nghiên cứu cách thức sử dụng trống đồng như một nhạc khí được căn cứ trên các đặc điểm trên bề mặt trống như cấu tạo, hiện trạng và hoa văn trên trống.
Về đặc điểm: Những trống đồng của văn hóa Đông Sơn đều thuộc loại I theo cách phân loại của F. Heger. Kết cấu trống đồng Đông Sơn gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân. Mặt trống hình tròn, giữa mặt đúc nổi hình mặt trời với 12 đến 18 cánh, xung quanh trang trí nhiều băng hoa văn. Tang trống hơi phình ra, nối liền với mặt trống; thân trống hình trụ tròn thẳng đứng; phần chân hơi loe thành hình nón cụt. Có bốn chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng.
Như vậy vị trí đánh (gõ) trống chính là giữa mặt trống bởi chỗ này được đúc nổi hình mặt trời dày hơn để chịu nhiều tác động của vật đánh (dùi), các cánh mặt trời sẽ làm lan tỏa âm thanh ra xung quanh. Tuy nhiên, phần tang và thân trống có thể cũng được đánh để tạo nên những đặc điểm âm thanh khác nhau. Ngoài ra, trống còn có một thùng cộng hưởng độc đáo: phần tang phình, phần thân và chân loe ra giúp cho trống có âm thanh vang xa,từ những âm thanh ban đầu được nhận lên về mặt cường độ. Một điều cần lưu ý là 4 quai trống được đúc đối xứng khá dày và chắc chẵn. Điều này cho ta liên tưởng tới việc trống được luồn dây để treo lên trong quá trính sử dụng.
Về hiện trạng: sau hàng nghìn năm tồn tại, nhiều chiếc trống đồng được tìm thấy còn tương đối nguyên vẹn. Xem xét về hiện trạng của nhiều chiếc trống đồng, ta thấy, phần lớn ở giữa mặt những chiếc trống, vị trí in nổi của ngôi sao nhiều cánh thường nhẵn, rỗ, hoặc bị biến dạng. Nguyên nhân có thể là do sự tác động thường xuyên của dùi? Điều này một lần nữa minh chứng trống chủ yếu được đánh/gõ vào vị trí chính giữa mặt trống.
Hình ảnh đánh trống trên mặt trống Cổ Loa (Nguồn: BTLSQG).
Hình ảnh đánh trống trên mặt trống Cổ Loa (Nguồn: BTLSQG).
Trong nhiều tài liệu khảo cổ học, khi nhắc tới cách thức sử dụng trống đồng, phần lớn các tác giả đều dựa vào những họa tiết hoa văn trang trí trên trống. Xem xét trên bề mặt các trống như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Cổ Loa và trống Sông Đà… ta có thể thấy bề mặt mỗi chiếc trống đều có 2 cảnh người đánh trống đối xứng nhau qua tâm. Theo đó thì một dàn trống thường có 4 chiếc cạnh nhau, phía trên là bốn người trong tư thế ngồi hoặc đứng dùng một cái cây dài để gõ thẳng đứng lên mặt trống. Theo Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1994) thì người xưa còn đào hố rộng ra rồi trống ở lơ lửng giữa hố, giúp âm thanh đã mạnh rồi lại mạnh hơn. Những hố cộng hưởng này còn thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Những tư liệu dân tộc học
Hiện nay, theo tác giả được biết, ở Việt Nam còn có một số dân tộc thiểu số sử dụng trống đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, tiểu biểu như người Mường, người Lô Lô, người Pu Péo… Đây là tư liệu quan trọng để đối sánh, so sánh tìm ra phương pháp sử dụng trống đồng như một nhạc khí của cư dân Việt cổ.
Cách đánh trống đồng của dân tộc Mường hiện nay tương đối giống như mô tả trên mặt các trống đồng đã kể trên, tức là theo lối giã gạo. Người Mường cũng dùng những dùi trống dài như chày giã gạo với khoảng 3-4 người đứng xung quanh để đánh vào mặt trống theo hướng thẳng đứng. Xem ra, cách đánh này chủ yếu mang tính tượng trưng của một tiết tấu vũ điệu hơn là về hiệu quả âm thanh. Do đó có thể hiểu tư thế để úp nằm của nó là để tiện cho nhiều người diễn tấu cùng một lúc. Trên thực tế, người Mường cũng đặt trống trên một cái giá gỗ thấp gồm hai thanh gỗ bắt chéo hình chữ thập làm sàn kê, có 4 chân ngắn để bớt hạn chế về nguyên tắc âm thanh.
Theo cuốn Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, năm 1997) thì phương thức diễn tấu trống đồng của các tộc khác như Lô Lô và Pu Péo tương đối giống với các dân tộc ở Hoa Nam (Trung Quốc).
Ngày nay, đồng bào Lô Lô nhiều vùng còn giữ được những bộ trống đồng, mỗi bộ gồm hai cái: trống đực (nhỏ hơn) và trống cái (to hơn). Trống có 4 quai bố trí thành từng cặp đối xứng nhau qua trục thân. Mặt và tang trang trí hoa văn nét nổi. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trồng đồng là loại nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của người Lô Lô, tộc trưởng cất giữ trống đồng cho dòng họ, bảo quản bằng cách chôn xuống đất. Khi nào dùng thì mới đào lên. Khi dùng trống, họ đặt hai trống (đực và cái) treo quay mặt trống vào nhau. Người đánh trống đứng ở giữa cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống và có tới 36 điệu đánh trống. Trống đánh giữ nhịp cho các điệu múa dân gian.
Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng (Nguồn: Internet).
Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng (Nguồn: Internet).
Hiện nay, người Pu Péo chỉ dùng trống đồng trong lễ làm chay. Cũng giống người Lô Lô, trống của người Pu Péo có 1 bộ gồm 1 trống đực và 1 trống cái. Bình thường cất trống trên sàn gác. Trước khi dùng phải cúng từng chiếc trống với lễ vật là hai bát rượu, con gà. Cúng xong, đổ rượu lên mặt trống rồi mới treo trống. Trống được treo ở cạnh cửa ra vào ở gian giữa, trống đực treo bên trái, trống cái treo bên phải. Hai mặt trống quay vào nhau. Người đánh trống phải là đàn ông đứng ở giữa dùng củ chuối gõ vào hai mặt trống theo sự điều khiển của thầy cúng. Người ta đánh trống, vui múa suốt một đêm một ngày. Đồng bào tin rằng hồn ngô lúa rất sợ tiếng trống vì thế họ chỉ làm chay sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Nhưng nếu vì hoàn cảnh phải dùng trống sớm hơn thì chỉ được đánh ba tiếng trống thôi – trống đực đánh một tiếng, trống cái hai tiếng.
Cách đánh trống của người Lô Lô và Pu Péo mô tả ở trên cũng cho thấy một phần cách nhìn này đối với từng cặp trống đực – cái có cao độ khác nhau.
Một vài nhận xét
Như vậy có thể thấy, trống đồng là một nhạc khí, vị trí để tác động lên trống chủ yếu là trung tâm của mặt trống, nơi có hình mặt trời được đúc khá dày. Tuy nhiên để tạo ra được những âm thanh khác nhau, có thể những vị trí xung quanh đó, bảo gồm cả tang và thân trống cũng được tận dụng để tác động.
Về tư thế, trống đồng được đánh dựa trên 2 kiểu chính: thứ nhất, ngửa mặt trống lên và tác động thẳng đứng xuống trung tâm mặt trống. Phía dưới chân trống có thể được kê lên cao hoặc tạo những “hố cộng hưởng”. Tuy nhiên, cách này chủ yếu mang tính chất diễn tấu, không mang lại hiệu quả về âm thanh; thứ 2, trống được buộc dây vào quai và treo lên, người đánh dùng dùi tác động vào mặt hoặc thân và tang trống. Cách này tạo có thể tạo ra được hiệu quả về âm thanh hơn và hiện nay vẫn còn được một số dân tộc thiểu số sử dụng.
Tùy thuộc vào kiểu đánh trống mà vật tác động lên trống (dùi) cũng dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc dùi được làm bằng gỗ, đầu bọc vải để hạn chế làm biến dạng hoa văn trên trống.
Trải qua trên dưới 2000 năm, bên cạnh việc bảo lưu những nét đặc trưng từ thời Đông Sơn thì cũng có nhiều nét văn hóa đã mất, trong đó có phong tục đánh trống đồng sử dụng trống đồng. Do đó, việc phục dựng lại truyền thống đánh trống đồng ở người Viêt hiện nay cũng còn nhiều quan điểm và luận giải khác nhau. Với phương pháp tiếp cận liên ngành khảo cổ học và dân tộc học, chúng ta có thể tìm hiểu về cách thức đánh trống đồng của người Việt cổ một cách tương đối toàn diện. Tuy nhiên, bài viết này chỉ có thể đưa ra những tư liệu mang tính chất gợi mở. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Minh Huyền 1996. Văn hóa Đông Sơn, tính thống nhất và đa dạng. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Hán Văn Khẩn (Chủ biên) 2008. Cơ sở Khảo cổ học. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Đình Khoa 1983. Các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1994. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Phạm Huy Thông (Chủ biên) 1990. Dong Son Drums in Viet Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Viện dân tộc học 1987. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
7. Nhiều tác giả 1999. Phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam. Nxb. Văn hóa – Dân tộc, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét