14 tháng 7, 2017

Đại tướng Cao Văn Viên những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hoà - Giao Chỉ – San Jose

CaoVanVien

Suốt 28 năm qua, quân dân miền Nam đã trải qua các hoàn cảnh bi đát đau thương và luôn luôn tự hỏi về nguyên nhân thất bại mau chóng của VNCH trong những ngày của tháng 4-1975.
Đại tướng Cao Văn Viên năm nay 83 tuổi, sống hoàn toàn cô đơn trong một viện cao niên tại miền Đông Hoa Kỳ, cũng có các suy tư khắc khoải của riêng ông.

Trong phần Lời Bạt của một tác phẩm vừa xuất bản 2003, vị Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân lực VNCH đã giãi bày rất nhiều điều quan trọng: Về vai trò của ông và nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham Mưu. Sự liên hệ cá nhân giữa Tướng Cao Văn Viên và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại sao ông xin từ chức và tại sao Tổng thống Thiệu không chấp thuận. Những diễn tiến quân sự liên quan đến việc di tản Quân Đoàn II và Quân Đoàn I. Ông cũng viết về việc chuẩn bị thuốc độc cho chính mình và sau cùng ông đã ra đi vào lúc nào.

Phần quan trọng là Đại tướng Cao Văn Viên bác bỏ một số tin tức liên quan đến ông và Bộ Tổng Tham Mưu trong một tác phẩm đã được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, vị cố vấn đặc nhiệm của ông Thiệu xuất bản gần 20 năm về trước.

Để có thể theo dõi dễ dàng những diễn tiến theo thời gian, chúng tôi xin liệt kê tài liệu thứ tự như sau:

Thứ nhất: Ngay sau khi miền Nam thất thủ 1975, bắt đầu từ năm 1976, Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ đã mời các sĩ quan cao cấp của Việt – Miên – Lào viết về kinh nghiệm của cuộc chiến Đông Dương. Đại tướng Cao Văn Viên cùng 5 vị tướng và Đại Tá VNCH đã hoàn tất 16 tác phẩm bằng Anh ngữ về các đề tài khác nhau. Trong đó có cuốn the Final Collapse ấn hành năm 1983. Tài liệu biên khảo vào thời gian 1976 hoàn toàn có tính cách nghiên cứu các diễn tiến, nhưng chưa đủ các dữ kiện đầy đủ như hiện nay. Trong đó tác giả ghi rằng không muốn nói nhiều đến chuyện cá nhân. Cuốn The Final Collapse nguyên tác Anh ngữ phổ biến hạn chế và chưa từng dịch ra Việt ngữ.
Thứ hai: Khởi sự từ năm 1977, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nguyên là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Thiệu bắt đầu soạn tài liệu để hoàn tất tác phẩm the Palace File. Chủ đề của tác phẩm viết về những năm cuối cùng tuyệt vọng của Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả viết bằng các dữ kiện trực tiếp ghi nhận được qua vai trò giao thiệp với chính phủ Mỹ và các bức thư trao đổi với các Tổng Thống Hoa Kỳ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.
Trong tác phẩm này Tiến sĩ Hưng có đề cập đến nhiều giới chức gồm cả Bộ Tổng Tham Mưu và Đại tướng Cao Văn Viên, The Palace File nguyên tác Anh ngữ xuất bản năm 1986 và ấn bản Việt ngữ xuất bản năm 1987. Có một số dữ kiện trong tác phẩm này cũng cần phải được duyệt lại vì thực sự tác giả hoàn tất vào đầu thập niên 80 nên không đủ các tin tức như hiện nay.
Cuốn Palace File bản Anh ngữ và Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập bản Việt ngữ được phát hành tương đối rộng rãi và đã phổ biến những điều mà Đại tướng Cao Văn Viên cho là không đúng và ông ghi nhớ từ 17 năm qua.
Thứ ba: Cho đến năm nay 2003, do cơ duyên đặc biệt Đại Tướng giao cho một chuyên viên sử học là ông Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ cuốn The Final Collapse thành tác phẩm Việt ngữ với tựa đề Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tác phẩm Việt ngữ vừa phát hành này có nhiều ghi chú đặc biệt của dịch giả và của chính tác giả nhằm làm sáng tỏ những điểm mà nguyên tác The Final Collapse năm 1976 chưa đề cập đến.
Và đặc biệt là những lời đính chính mạnh mẽ của tướng Cao Văn Viên liên quan đến The Palace File của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng mà ông đã lưu tâm từ năm 1986 khi sách này phát hành.

caovanvien9
Đại tướng Cao Văn Viên nguyên là Tư Lệnh Nhảy Dù, Tư Lệnh Quân Đoàn III và chức vụ sau cùng là Tổng Tham Mưu Trưởng. Có lúc ông kiêm cả Tổng Trưởng Quốc Phòng. Vợ của ông đã qua đời nhiều năm trước. Ông có người con gái là giáo sư luật khoa Lan Cao đã thành danh và có gia đình riêng. Ông sống một mình trong viện cao niên tại miền Đông. Tuy sức khỏe suy yếu nhưng tinh thần vẫn minh mẫn và còn giọng nói vẫn mạnh mẽ với 83 tuổi.

Dịch giả Nguyễn Kỳ Phong được ông Cao Văn Viên tin cậy giao cho việc chuyển ngữ cuốn The Final Collapse là một chuyên viên sử học tại Hoa Kỳ. 28 năm trước ông là một sinh viên trẻ, có thể chưa biết nhiều về cuộc chiến và VNCH. Nhưng suốt thời gian tại Hoa Kỳ ông đã nghiên cứu và đọc hầu hết các tài liệu về chiến tranh Việt Nam bằng Anh ngữ và Việt ngữ. Ông Phong sưu tầm các tác phẩm, hồi ký đã xuất bản và cả các tài liệu phổ biến hạn chế trong các thư khố đặc biệt của Hoa Kỳ liên quan đến Việt Nam.
Năm 2001, Nguyễn Kỳ Phong đã xuất bản tác phẩm đặc biệt tựa đề: Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam. Một cuốn sách làm ngạc nhiên độc giả lưu tâm đến đề tài này về sự uyên bác của tác giả. Hiện nay người ta đang chờ đợi cuốn số 2 của ông dự trù sẽ xuất bản một ngày gần đây.
Sau đây là phần trích dẫn từ tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên đối với những sự kiện chưa từng được nói tới gần 30 năm qua.
Theo nguyên văn tài liệu, danh từ tác giả ở đây thay cho chữ tôi và xin hiểu đây là Đại tướng Cao Văn Viên.

1. Về vấn đề đại tướng Cao Văn Viên xin từ chức Tổng tham mưu trưởng. Ông viết như sau:
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Trong những năm 1970 và 1971, tác giả đã đệ đơn xin Tổng thống Thiệu cho về hưu ít nhất là 3 lần. Lý do là vì tác giả đã ở chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng quá lâu đã đủ thâm niên quân vụ cùng sức khỏe kém. Lý do tác giả hành động như vậy vì vào khoảng giữa năm 1970, sau một buổi họp với Đại tướng Creighton Abrams (tư lệnh MACV) ông ta cho biết, theo tin Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Tổng thống Thiệu có ý định cho Trung tướng Đỗ Cao Trí thay thế tác giả. Chờ đợi mãi không thấy lệnh thay thế, tác giả cảm thấy mình không còn được “sủng ái” nên đã xin về hưu.
Trong thời điểm đó, các đối lập chính trị và tay chân thân tín của họ bị loại hay vô hiệu hóa. Với đa số dân biểu, nghị sĩ thân chánh quyền trong Quốc Hội cùng sự thành lập đảng Dân Chủ, ông Thiệu ở vào thế mạnh. Ngoài ra một số phụ tá trẻ của ông nêu ý kiến nên thay thế các phần tử mà họ cho là già nua và quan liêu. Họ thường nói, muốn có một căn nhà tốt cần thay thế các viên gạch cũ hay các bộ phận vô dụng, và nếu cần, hủy bỏ luôn căn nhà cũ.

2. Trải qua nhiều năm, vẫn một câu hỏi được nêu lên là tại sao Tổng Thống Thiệu lại không cho phép đại tướng Viên từ nhiệm, chính ông Cao Văn Viên cũng tự hỏi như vậy.
Đại tướng Cao Văn Viên: Tại sao ông Thiệu không thay tác giả như đã có ý định? Có thể ông Thiệu nghĩ rằng tác giả không có tham vọng chính trị, và trong quá khứ không phản ông Diệm nên cố giữ lại để có sự ổn định trong quân đội. Nhưng những gì tác giả nghĩ chỉ là giả thuyết mà thôi. Ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, ở vào một hoàn cảnh mập mờ, tác giả không thể nào hăng say phục vụ như trước nữa. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp, tác giả vẫn làm việc như thường, chờ ngày thay thế.

3. Trong tác phẩm của ông, đại tướng Cao Văn Viên có dành 1 phần giải thích về nhiệm vụ của bộ tổng tham mưu đặc biệt là lãnh vực điều hợp các quân đoàn trên lý thuyết. Còn trên thực tế ông giải thích thêm bắt đầu từ thời điểm 1973 như sau.
Đại tướng Cao Văn Viên: Khi Hiệp Định Ba Lê 1973 được ký kết, quốc sách “Bốn Không” ra đời, lúc mà tất cả hoạt động quân sự có ảnh hưởng đến chính trị, thì các buổi họp bất thường hay hàng tháng với các tư lệnh Quân Đoàn, Quân Khu, cùng với các tư lệnh Binh Chủng như Không Quân và Hải Quân… được diễn ra trong Dinh Độc Lập, thay vì ở Bộ Tổng Tham Mưu như thường lệ. Buổi họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu như là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó Tổng thống Thiệu hoàn toàn lấy mọi quyết định, và ra lệnh thẳng cho các nơi. Như vậy, Tổng thống Thiệu đã đạt được thế thượng phong tuyệt đối, tập trung mọi quyền Hành Pháp, Lập Pháp và quân đội vào một mối duy nhất.

4. Viết về những ngày bi thảm của tháng 4-1975 cho đến khi đại tướng Dương Văn Minh lên nhận chức, tướng Cao Văn Viên cho biết.
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Sau cuộc rút lui thất bại ở quân đoàn II và quân đoàn I, và khi tình hình quân sự trở nên bi đát, tác giả có xin bác sĩ Phạm Hà Thanh (Cục Trưởng Cục Quân Y) thuốc độc (loại Cyanid), vì biết chắc chắn nếu bị bắt sẽ bị cộng sản hành hạ một cách tàn bạo. Bác sĩ Thanh sau khi đi cải tạo về, hiện nay vẫn còn sống ở ngoại ô Sài Gòn.
Tối Chủ Nhật 27 tháng 4, sau khi Quốc Hội biểu quyết trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, vì thời gian quá gấp rút, theo hệ thống quân giai, tác giả trình miệng với Trung tướng Trần Văn Đôn, đang là Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Nội Các của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, trình lên Tổng thống Trần Văn Hương nguyện vọng được về hưu của tác giả đã xin từ năm năm về trước. Tổng thống Hương biết rõ chuyện này nên đã ký sắc lệnh cho tác giả về hưu. Ông Nguyễn Thạch Vân, phụ tá tổng thống, hiện đang sống bên Pháp, biết rõ chuyện này.
Tác giả không hợp tác với tướng Minh vì ông ta có ý định giết tác giả trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11-1963. Tác giả cũng không thể phục vụ cho một chính phủ liên hiệp, và lý do quyết định nhất là đã ở chức vụ này quá lâu (gần 10 năm), sức khỏe kém và đã xin về hưu 3 lần rồi. Khi biết đã được phép giải ngũ, tác giả liên lạc với Phòng Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ (DAO) để xin di tản ra Đệ Nhất Hạm Đội. Khi rời Việt Nam, tác giả mặc thường phục vì đã về hưu.

5. Đề cập đến chuyện cũ, đại tướng Viên nói về thời gian gặp tướng Minh trong kỳ đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 như sau.
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Trưa ngày 1 tháng 11-1963, khi trình diện Tổng Bộ Tham Mưu (BTTM) để nhận lệnh hành quân (lúc đó tác giả là Đại Tá, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù) tác giả được đưa lên gặp tướng Dương Văn Minh thay vì tướng Trần Thiện Khiêm (Tham Mưu Trưởng Liên Quân) như thường lệ.
Tướng Minh hỏi: “Tụi Moi đảo chánh, Toa nghĩ sao?”
Tác giả trả lời: “Đảo chánh là một quốc gia đại sự, sao tới giờ phút này Trung Tướng mới cho tôi hay?”
Đó là nguyên văn câu hỏi và câu trả lời, không hơn không kém. Trong khi đó, một sĩ quan tùy viên của tướng Minh chĩa súng Carbine vào lưng tác giả. Vài phút sau, Đại tá Đỗ Mậu (Giám Đốc An Ninh Quân Đội) kêu tác giả lên đài phát thanh tuyên bố theo phe đảo chánh. Tác giả trả lời là không có gì để tuyên bố cả. Tác giả bị giam giữ tại BTTM và chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhờ cảm tình của một số Tướng Tá (theo phe đảo chánh) và sự can thiệp của vợ mình.

6. Nói đến liên hệ của ông với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Cao Văn Viên nhắc lại giai đoạn 1974 và 1972 như sau:

Đại tướng Cao Văn Viên: Hai năm 71 – 72 là khúc quanh quan trọng trong đời sống quân ngũ của tác giả. Như đã nói phần trước, tác giả đãû xin Tổng thống Thiệu về hưu ba lần nhưng không được nên phải làm việc như thường tuy kém phần hăng say như năm năm về trước. Vai trò của BTTM vẫn không thay đổi trong thời gian này.
Cuối năm 1971 là năm bầu cử Tổng Thống. Lần này Tổng thống Thiệu ra ứng cử với ông Trần Văn Hương. Các liên danh khác bị loại ra vì không đủ điều kiện ấn định bởi luật bầu cử, nên báo chí rêu rao đây là màn “độc diễn” của Tổng thống Thiệu.
Trước ngày bầu cử, sau một buổi họp quân sự với các Tư lệnh Quân Đoàn, Tư lệnh các Quân chủng Không và Hải quân, TTMT, và Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng thống Thiệu hỏi các tướng lãnh về cuộc bầu cử sắp tới. Các tướng lãnh có mặt đều nhiệt liệt ủng hộ liên danh Thiệu – Hương. Khi được hỏi, tác giả trả lời là Tổng Thống đã có quyết định, nên không có ý kiến gì thêm.

7. Một trong các vấn nạn then chốt của việc sụp đổ nhanh chóng tháng 4-1975 là vấn đề quân viện và nhu cầu tái phối trí các đơn vị. Trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, Đại tướng Cao Văn Viên có viết lại như sau:
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Vào khoảng tháng 1-1974, Bộ Tổng Tham Mưu được phía Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự trong tài khóa 74 – 75 bị cắt giảm 300 triệu Mỹ kim. Tổng Cục Tiếp Vận phụ trách việc cung cấp quân trang, quân dụng, xe cộ, vũ khí và đạn dược cho toàn thể quân lực VNCH đã nghiên cứu một kế hoạch để đối phó với tình hình mới. Một cách tổng quát, kế hoạch nhận định là, chương trình quân viện bị cắt giảm chỉ có thể thỏa mãn một quân đội với số quân ít hơn; và số quân đó chỉ có khả năng phòng thủ một lãnh thổ tương xứng của VNCH mà thôi. Kế hoạch này rất hợp lý trên thực tế. Nhưng Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực VNCH, đã đề ra đường lối quốc gia “Bốn Không” (một trong nhũng cái không đó là không cắt đất cho cộng sản). Thấy kế hoạch của Tổng Cục Tiếp Vận trái với quốc sách trên nên tác giả không chỉ thị trình lên Tổng Thống một cách chính thức. Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, được phép trình miệng kế hoạch trên cho Tổng Thống. Theo lời tướng Khuyên trình lại, sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu không có chỉ thị gì thêm, và Tổng Thống cũng không có chỉ thị nào trực tiếp cho tác giả. Vì những lý do trên, kế hoạch bị bỏ qua một bên.

8. Đại tướng Viên viết thêm trong trang 130 gồm cả phần chú thích. Ông cho biết:
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Tổng thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về chính trị địa lý của miền Nam, nhưng khi nói đến Vùng I và II, ông không tỏ vẻ lạc quan hay tự tin. Chỉ vào vùng Cao Nguyên trung phần, Tổng thống Thiệu nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại, vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột. Miền duyên hải của Vùng II cũng quan trọng với tiềm năng dầu hỏa chứa đựng ở thềm lục địa. Về Vùng I, ý kiến của Tổng thống Thiệu là “giữ được phần nào thì giữ.” Ông phác họa kế hoạch phòng thủ ở Vùng I bằng những tuyến cắt ngang duyên hải từ Bắc xuống Nam. Nếu chúng ta có đủ lực lượng, Tổng thống Thiệu nói, chúng ta sẽ giữ đến Huế và Đà Nẵng. Nếu không được, chúng ta sẽ tái phối trí quân lại ở Chu Lai, hay thấp hơn là Tuy Hòa. Kế hoạch này, Tổng thống Thiệu nói tiếp, cho chúng sắp đặt lại khả năng để có nhiều hy vọng giữ được những vùng đất quan trọng cho miền Nam trường tồn như một quốc gia vững mạnh.
Sau này tác giả mới biết, trước buổi họp ngày 11 tháng 3-1975 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu đã có trong tay 3 đề nghị về việc này: Đề nghị số 1 vào năm 1974, tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng liên quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, đệ trình lên Tổng Thống ý niệm phải thu hẹp lãnh thổ VNCH thế nào tương xứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự như chúng ta đã thấy. Thứ 2: Thiếu tướng John Murray thuộc phòng tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Attache Office-Vietnam) có cung cấp cho Tổng thống Thiệu qua Tòa Đại Sứ Mỹ một sơ đồ tương tự như Tổng Cục Tiếp Vận đề nghị. Thứ 3: Chuẩn tướng Úc Đại Lợi Ted Sarong cũng đề nghị qua một giới chức Phủ Tổng Thống một kế hoạch tương tự.

9. Sau đây là đoạn quan trọng nhất Đại tướng Viên kể lại những quyết định lịch sử của hội nghị cao cấp nhất tại Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3-1975 về việc tái phối trí:
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Như thường lệ, Tổng thống Thiệu chủ tọa buổi họp dưới sự có mặt của Thủ tướng Khiêm, tác giả, và Trung tướng Đặng Văn Quang. Sau khi tướng Trưởng chấm dứt tường trình về tình hình Vùng I, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Vùng III, được mời vào báo cáo vùng trách nhiệm của ông. Theo tướng Toàn, tình hình Vùng III tương đối yên tĩnh, không có biến chuyển quan trọng xảy ra.
Sau tướng Trưởng và Toàn, đến lượt Tổng thống Thiệu lên tiếng. Ông phân tích tình hình chung và những khó khăn VNCH đối đầu về vấn đề quân viện. Tổng thống Thiệu thú nhận ông không tin Hoa Kỳ sẽ can thiệp dù cho CSBV mở cuộc tổng tấn công vào miền Nam. Ông tỏ ý thông cảm về tình trạng thiếu thốn, khó khăn ở các quân đoàn. Ông cho biết trong thời gian gần đây ông ra nhiều quân lệnh nhưng ông biết các tư lệnh gặp nhiều khó khăn khi thi hành.
Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng thống Thiệu tuyên bố, quân đội không thể làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất phì nhiêu, có tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản để giữ lại lãnh địa màu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục địa, thì chúng ta cũng chấp nhận. Thà vậy hơn là đứng chung một chánh phủ liên hiệp với cộng sản. Vùng đất mà Tổng thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng. Về vấn đề tái phối trí quân – chuyện này tự Tổng thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề tiết lộ trong một buổi họp nào – Sư đoàn Nhảy dù sẽ rời Vùng I, theo sau là Sư đoàn TQLC, nếu tình hình phòng thủ của Vùng I không bị ảnh hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên khỏi Vùng I cho phép quân đội tái lập lại các lực luọng tổng trừ bị. Cùng với những cuộc rút quân khỏi Vùng I, Tổng thống Thiệu cho phép tướng Toàn rút quân khỏi An Lộc, và sử dụng lực lượng đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi nào cần nhất ở Vùng III.
Sau khi Tổng Thống chấm dứt thì đến lượt tác giả. Với tư cách Tổng Tham Mưu Trưởng, tác giả nhắc các tư lệnh quân đoàn phải cẩn thận khi rút quân. Buổi hợp ngày 13 tháng 3 chấm dứt sau ba tiếng rưỡi đồng hồ, mặc dù các tham dự viên đã không bàn cãi dài dòng.
Như vậy buổi hợp ở Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3-1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó Tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào vào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở Vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 xảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh Tổng thống Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của Quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột.

10. Đoạn sau đây Đại Tướng nói rõ thêm về việc ông được phép từ chức và ra đi:
 
Đại tướng Cao Văn Viên: Trước khi từ chức, Tổng thống Trần Văn Hương đã ký một sắc lệnh giải nhiệm tác giả chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng. Trong khi chờ đợi tân Tổng thống Dương Văn Minh chính thức bổ nhiệm Tổng Tham Mưu Trưởng mới, tác giả chỉ định Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng BTTM, xử lý thường vụ chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Sau đó tác giả được di tản ra Hạm Đội 7 vào trưa thứ Hai, 28 tháng 4-1975.

11. Sau cùng một trong các chi tiết rất nhỏ nhưng có thể rất quan trọng giữa 2 cuốn sách xuất bản cách nhau 17 năm chúng tôi xin ghi lại:
 
Trong cuốn hồ sơ dinh Độc Lập trang 557 tác giả Nguyễn Tiến Hưng đă viết về buổi họp các tướng lãnh với tổng thống Thiệu (nguyên văn) như sau khi ông đề cập đến vấn đề tín nhiệm.
Thiệu kể lại rằng không có một ai nói một lời và như vậy là đã rõ là họ không muốn ông ngồi lại ghế tổng thống nữa. Giữa lúc đó Thiệu tuyên bố từ chức và để phó Tống Thống Trần Văn Hương lên làm tổng thống. Tướng Cao Văn Viên theo Thiệu về văn phòng nước mắt chảy quanh và nói: Thưa tổng thống, tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay.

Đại tướng Cao Văn Viên rất bất bình về đoạn văn ngắn ngủi này. Sự thực do ông Thiệu kể lại cho ông Hưng ra sao, câu trả lời đã đem xuống thuyền đài.
17 năm sau khi những trang sách của ông Hưng được in ra. Trong cuốn sách xuất bản năm 2003, phần ghi chép của trang 219, đại tướng Cao Văn Viên viết nguyên văn như sau: ” tác giả (tức đại tướng Viên ghi chú của người dẫn) nhớ rõ ràng, sau buổi họp tác giả ra về ngay không theo tổng thống Thiệu về phòng làm việc của ông ta. Đây là lần chót tác giả gặp ông Thiệu trước khi mất nước. Tác giả không khi nào rưng rưng nước mắt và nói không thể tưởng tượng có thể xảy ra ngày hôm nay.”

Đây chỉ là chuyện của ông Nguyễn Tiến Hưng viết trong The Palace File. Mối liên quan giữa tác giả và Tổng thống Thiệu hoàn toàn đặt trên căn bản quân vụ, nên không có những giờ phút cởi mở tâm tình.

Qua các tài liệu trích dẫn được trình bày, chúng tôi muốn ghi lại và gửi đến quý vị các nét chính của lịch sử đã diễn ra qua các nhân vật khác nhau về những ngày cuối của VNCH.
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta có thể quên dần chuyện cũ, nhưng các dữ kiện mới lại xuất hiện. Càng nhiều tin tức thì sự suy luận lại phải thêm dè đặt. Chúng tôi xin ghi lại các tin tức lấy từ tài liệu được chính thức xuất bản của các tác giả để chúng ta cùng suy ngẫm. Chân lý trong lịch sử sẽ chẳng bao giờ toàn vẹn và sự lên tiếng muộn màng của Đại tướng Cao Văn Viên có thể sẽ là lời nói sau cùng về những nỗi bất bình mà ông cảm nhận từ nhiều năm nay cần được giải tỏa. Có lẽ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng cần xem lại để phân biệt những gì ông trực tiếp nhìn thấy, với những gì ông nghe nói lại dù là nghe được từ Tổng Thống về những giọt nước mắt mà Đại tướng Cao Văn Viên chia sẻ với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Đôi khi những chuyện nhỏ như vậy có xảy ra hay không, cũng là những chi tiết quan trọng của lịch sử.


Giao Chỉ – San Jose

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét