Không ai có đủ tư cách để đánh giá về trận LTL.7B bằng Đại tướng Cao Văn Viên. Năm 1976 ông đã ngồi viết tường trình cho Ngũ Giác Đài dưới danh nghĩa “Rút kinh nghiệm về chiến tranh Việt Nam”. Đối với trận LTL.7 ông dùng tài liệu chính là lời khai của Đại tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu trưởng Quân đoàn II, sau khi ông này chạy từ Nha Trang về Sài Gòn. Đây là tài liệu duy nhất mà Tướng Viên có thể sử dụng bởi vì Tướng Phú đã tự sát, Tướng Cẩm, Tướng Tất, Đại tá Đồng bị bắt làm tù binh.
Cũng vì chỉ căn cứ vào lời của Đại tá Lý cho nên Tướng Viên bị hố nặng khi ông phân tích về lý do và hậu quả của thất bại :
(1). Cáo buộc của Cao Văn Viên : “Cuộc di quân bị gián đoạn, ngăn trở vì làn sóng dân tị nạn”. Nghĩa là các tướng và Bộ tham mưu Quân đoàn không giữ được bí mật tối đa như lời căn dặn của Tướng Phú. Sự thực là tình hình Pleiku chỉ òa vỡ vào trưa 15-3-1975, lúc đó phi trường Pleiku nhộn nhịp do người Mỹ báo động cho các nhân viên sở Mỹ phải đưa tất cả gia đình di tản, trong chiều ngày 15-3 đã có gần 450 người được máy bay của HK bốc khỏi Pleiku trong tư thế tháo chạy.
Vậy thì bí mật được công bố cho dân chúng khởi nguồn từ đây chứ không phải từ các sĩ quan tham mưu của Quân đoàn. Nhưng người tiết lộ bí mật cho người Mỹ là Đại tá Lê Khắc Lý chứ không còn ai khác. Công khó giữ bí mật của Tống thống Thiệu và Tướng Phú trở thành trôi sông đổ biển.
Ngoài việc báo động cho nhân viên sở Mỹ, người HK còn báo động cho các lực lượng vũ trang người Miền Núi. Ngay tức khắc người Miền Núi quay mũi súng trở lại đối với các sĩ quan chỉ huy người Kinh. Bốn liên đoàn BĐQ trong số 6 liên đoàn đã trở thành đối nghịch với chính phủ VNCH, lực lượng ĐPQ cũng vậy. Họ đã không bảo vệ dân chúng đã đành, mà còn xả súng bằn bừa vào dân tị nạn để trút hận.
Như vậy loạn từ Đại tá Lý mà ra, nhưng Đại tá Lý được nắm vị trí then chốt của Quân khu 2 là do Tướng Viên mà ra. Sách của Phạm Huấn cho biết đã hai lần Tướng Phú xin cho Đại tá Cao Đăng Tường hoặc Đại tá Nguyễn Văn Đại về làm tham mưu trưởng cho ông nhưng cả hai lần Tướng Viên từ chối, sau đó chính ông cắt cử Lê Khắc Lý làm tham mưu trưởng cho Tướng Phú; bây giờ ông chê trách ai ?
(2). Cáo buộc của Cao Văn Viên : “Lẽ ra Tướng Phú phải bàn thảo kế hoạch với ban tham mưu và trực tiếp chỉ huy cuộc triệt thoái từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc”. Đại tướng Viên nói mà quên rờ sau gáy : Nếu Tướng Phú và bộ tham mưu bám theo cuộc di quân từ đầu đến cuối thì chắc chắn tại Quốc lộ 21 Tướng Lê Trung Tường đã bị quân CSVN đánh tan tại Phước An từ chiều ngày 15-3. Và đến khuya hôm đó thì chiến xa của CSVN đã làm chủ Nha Trang bởi vì từ Phước An tới Nha Trang chỉ còn có duy nhất 1 Tiểu đoàn ĐPQ chốt tại Khánh Dương mà thôi.
Không ai ngờ đây là nhận xét “quá vô tư” của ông tướng đứng đầu Quân đội VNCH. Ông vô tình hoặc cố tình không thấy ra là có tới hai mặt trận cùng một lúc, một mình Tướng Phú không thể phân thân chỉ huy cả hai mặt trận cho nên ông ta phải chia thành hai bộ chỉ huy, chính Tướng Phú lãnh mặt trận Ban Mê Thuột là điểm nặng nhất, còn Tư lệnh phó là Tướng Cẩm lãnh phần nhẹ hơn; tức là đưa 5 Trung đoàn BĐQ, 1 trung đoàn Pháo binh, 2 trung đoàn Thiết giáp đi “đổi gió” tại Duyên hải.
Trong ngày 14-3 Tướng Phú ngồi họp tại Cam Ranh mà trong lòng đang chĩu nặng vì lỡ để mất BMT, ngay trong buổi họp Tướng Thiệu đã phân tích cho ông rõ là BMT quan trọng gấp đôi Pleiku-Kontum cọng lại. Việc trước mắt của ông sau khi tan cuộc họp là làm sao tổ chức cho Sư đoàn 23 BB từ Phước An tấn công tái chiếm BMT. Hoặc nếu như tình thế trở nên tồi tệ hơn, chiến xa của quân CSVN sẽ tiến thẳng từ BMT xuống Nha Trang, thì chính ông là người điều động quân ngăn chận chứ không thể giao cho một người nào khác.
Tướng Phú còn thì giờ đâu để “chỉ huy cuộc triệt thoái từ đầu cho tới khi kết thúc”?. Trong khi chính Tướng Viên nhận xét : “Cuộc triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum, trong ý nghĩa chiến thuật, không phải là một cuộc rút quân. Đây là một cuộc tái phối trí, chuyển quân có lịch trình và có khả năng tự vệ” ( trang 152 ). Nghĩa là một cuộc đưa quân đi đổi gió chứ không phải là một cuộc triệt thoái; triệt thoái là vừa đánh vừa rút. Cũng không phải là rút lui; rút lui là đánh không lại nên phải rút. Nhưng đằng này với lực lượng 5 Liên đoàn BĐQ, 2 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo binh thì họ không tấn công ai thì thôi chứ không việc gì phải triệt thoái hay rút lui.
Trong khi đó đêm 11-3-1975 Đại tá Vũ Thế Quang bị bắt, hồi ký của Tướng CSVN Văn Tiến Dũng ghi rằng Quang đã xúi ông đánh thẳng về Nha Trang bởi vì lúc đó từ Ba Mê Thuột đến Nha Trang chỉ có 1 trung đội VNCH giữ đèo M’Drak (sic).
Phát biểu của Tướng Viên khiến cho người đời có cảm tưởng rằng Tướng Phú đã nằm ngủ khò tại Nha Trang từ ngày 15-3 cho tới 24-3, bỏ mặc mọi việc của Quân đoàn cho Tướng Cẩm và Đại tá Lý.
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng cố tình quên rằng từ ngày bắt đầu cho tới ngày cuối của cuộc di tản thì Tướng Phú đang chỉ huy mặt trận Quốc lộ 21 với quân số của địch là 4 sư đoàn, trong khi trong tay ông chỉ có Sư đoàn 23 là lực lượng chống trả duy nhất. ( Trên lý thuyết ).
Nhưng ngay từ đầu Trung đoàn 53 bị kẹt lại Phi trường Phụng Dực, không điều động được. Còn Trung đoàn 45 và Trung đoàn 44 thì đã tan hàng sau khi được trực thăng vận xuống Phước An. Cả sư đoàn hơn 10.000 người đến ngày 17-3 chỉ còn 548 tàn binh. Rồi đám tàn binh này, kể cả Chuẩn tướng Lê Trung Tường, đã không giúp gì được cho ông; mà trái lại, còn bắt ông phải để tâm lo cứu họ từ Ban Mê Thuột về nơi an toàn.
Suốt thời gian từ 15 cho tới 18-3 ông phải chỉ huy mặt trận Quốc lộ 21 với 1 tiểu đoàn ĐPQ duy nhất để ngăn cản bước tiến của 4 sư đoàn địch. Thế mà ông đã thành công, giữ vững chốt Khánh Dương trước khi quân Dù khóa đèo M’Drak vào ngày 19-3. Nếu ông không đích thân chỉ huy ngày đêm trên mặt trận Quốc lộ 21 thì chiến xa của CSVN đã đến Nha Trang trước ngày đoàn di tản lên đường.
Và rồi tới sáng ngày 18-3, chính Bộ TTM của Tướng Viên đã cho Tướng Phú một tin dõm rằng Sư đoàn 320 CSVN đã đuổi kịp đoàn di tản. Trong khi đó Bộ tham mưu Quân đoàn II của Lê Khắc Lý biến mất không kèn không trống, Tướng Phú phải đích thân bay lên Phú Bổn tìm bốc ông Tham mưu trưởng và 13 sĩ quan tham mưu đầu não của Quân đoàn II (sic).
Từ đó ông đích thân chỉ huy cả hai mặt trận cho tới ngày 24-3 là ngày đoàn di tản về tới Tuy Hòa. Kết tội ông không chỉ huy, không theo dõi đoàn di tản là một điều vô cùng tàn tệ.
(3). Cáo buộc của Phạm Huấn : “Tin Quân đoàn 2 “di tản chiến thuật” bay đi nhanh chóng. Mọi người, mọi giới hoang mang tột độ. Tôi tưởng rằng sau đó Tướng Phú sẽ bay trở lại Pleiku. Nhưng… không !.
Sự việc này làm tôi không thể hiểu nổi. Tôi nghĩ rằng Tướng Phú là người chịu trách nhiệm nặng nề nhất về sự thảm bại sau đó của cuộc rút quân”…
“Và sáng hôm nay, ông đã bỏ đi như một người chạy trốn, một cấp chỉ huy vô trách nhiệm” (sic).
Dò theo những trang sách sau đó, cũng do chính Phạm Huấn viết, để tìm hiểu xem Tướng Phú làm gì sau khi rời khỏi Pleiku sáng hôm đó :
Ngày 15-3, “11 giờ 45 phút, sau những cái lệnh cho Bộ tham mưu Quân đoàn và Tướng Tất, Tướng Phú bay về Nha Trang”. Suy ra khoảng 1 giờ trưa thì Tướng Phú đến Nha Trang.
Lúc 15 giờ 30 : “Và ông ghé sát tai tôi : Anh gặp riêng Chuẩn tướng Tường nói nguyên văn lệnh của tôi : Lệnh của Tổng thống, rút bỏ Phước An, mang quân về phòng thủ tuyến Khánh Dương càng sớm càng tốt”. Nghĩa là Tướng Phú nhận được lệnh của Tướng Thiệu ngay sau khi ông tới Nha Trang.
Lúc 15 giờ 55 : “Sau khi kín đáo chuyển đạt lệnh của Tướng Phú cho Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, tôi tìm gặp Đại tá Trịnh Tiếu….Đại tá Tiếu cho biết, với những tin tức tình báo xác thực nhất, hiện có 4 sư đoàn Cọng sản Bắc Việt trong vùng. Đó là các sư đoàn F.10, 320, 968, 316 và các trung đoàn pháo, chiến xa, phòng không. Trong khi đó lực lượng của ta ở cả hai mặt trận phước An và quanh thị xã Ban Mê Thuột chưa tới một sư đoàn, không chiến xa, không pháo binh 155 ly yểm trợ…”
“Mặt trận Phước An sẽ bị địch “bứt” bất cứ lúc nào, có thể là đêm nay…”
Lúc 16 giờ 25, Phạm Huấn chuyển thông tin của Đại tá Tiếu cho Tướng Phú; nhấn mạnh có thể Phước An bị bứt trong đêm đó. Vậy thì đêm đó, đêm 15-3, Tướng Phú còn lòng dạ đâu để trở về Pleiku ? Và nếu ông trở lại Pleiku thì chỉ tổ dẫm chân Tướng Cẩm và Đại tá Lý bởi vì ông đã giao khoán mặt trận LTL 7 cho hai ông.
Ngày 16-3 : “lúc 9 giờ sáng, tôi cùng Tướng Phú bay đi Phước An”,
Lúc 10 giờ 40 : “trực thăng Tướng Phú đáp xuống Phước An, Tướng Tường trình bày tình hình vô cùng nguy ngập. Cộng quân với chiến xa đã tấn công đoàn quân tăng viện lúc 10 giờ”.
Lúc 11 giờ : “Tướng Phú bay trở lại Nha Trang, ông ra lệnh cho Đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Nha Trang phải đích thân lên chỉ huy mặt trận Khánh Dương” ( Thuộc tỉnh Khánh Hòa, giáp giới với Phước An ).
Lúc 13 giờ : “một tin chấn động, tướng Tường bị thương ở cầu 31 gần Khánh Dương được trực thăng chở thẳng về Quân y viện Nha Trang”.
Lúc 13 giờ 30, “ông vào Quân y viện thăm Tướng Tường để biết tình hình xác thực”.
Lúc 14 giờ : “Tướng Phú bay lên Phước An chỉ huy Sư đoàn 23 Bộ binh”.
Lúc 14 giờ 30 : “Tướng Phú bay chỉ huy mặt trận Phước An…. Phi cơ quan sát nhìn rõ các chiến xa địch di chuyển và cho tọa độ chính xác. Phi tuần phản lực đầu tiên từ Phan Rang bay lên đã bắn cháy 2 T.54 của địch…”
Lúc 15 giờ 40 phút : “Tướng Phú đề cử Đại tá Nguyễn Văn Đức ( Lê Hữu Đức ) xử lý thường vụ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh”. Lúc này cả sư đoàn 23 BB quân số hơn 10.000 người chỉ còn khoảng 600 “tàn binh”.
Vậy thì trong ngày này, ngày 16-3, Tướng Phú có nên trở lại Pleiku hay không? Và để làm gì?
Ngày 17-3, lúc 9 giờ 30 sáng, “Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku gọi về Nha Trang trình với Tướng Phú thì tình hình có rối loạn nhưng không ở múc độ trầm trọng… đoàn xe hơn 4.000 chiếc đã di chuyển”.
Lúc 10 giờ 15 phút sáng : “liên lạc lần cuối cùng giữa Tư lệnh Quân đoàn II và Tướng Cẩm tại Pleiku bằng STS-106”.
Lúc 10 giờ 50 phút sáng : “Tổng thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá…”.
Lúc 13 giờ 40 trưa : “Tổng thống, Hội đồng nội các, và các tướng lãnh khen ngợi Tư lệnh và Bộ tư lệnh Quân đoàn II về cuộc rút quân”.
Lúc 18 giờ 15 tối : “Đại tá Tham mưu trưởng báo cáo về tình hình Phú Bổn. Đã tổ chức, phân loại xe quân đội và dân sự. Ra lệnh cho các đơn vị không được tự ý tách rời đoàn xe đi riêng”.
Vậy thì trong ngày này Tướng Phú có nên trở lại Pleiku hay không? Trong khi Đại tá Tham mưu trưởng và Bộ tham mưu Quân Đoàn đã an vị tại Phú Bổn?
Sang đến sáng 18 thì đích thân Tướng Phú lên Phú Bổn để liên lạc với Tướng Cẩm và Tướng Tất. Đến chiều thì ông trở lại Phú Bổn để bốc toàn bộ Bộ tham mưu Quân đoàn 2 về Tuy Hòa. Và từ đó ông trực tiếp chỉ huy cả hai mặt trận cho tới khi đoàn di tản về đến Tuy Hòa.
Thế mà Đại tướng Cao Văn Viên và Thiếu tá Phạm Huấn đã cố tình để cho người đời nghĩ rằng Tướng Phú đã trốn tại Nha trang từ đầu chí cuối trong khi cuộc di tản trên LTL.7 không có ai chỉ huy.
Tướng Viên là cấp chỉ huy trực tiếp của Tướng Phú, Thiếu tá Huấn là đệ tử cật ruột của Tướng Phú (sic). Cả hai cùng lên tiếng đổ hết tội lỗi cho Tướng Phú thì ai mà không tin ?
Cho đến nay, trước khi người sưu tập tài liệu này đưa nội vụ ra trước ánh sáng, thì vợ con của Tướng Phú vẫn luôn luôn cảm thấy đau đớn về những lời thóa mạ vong linh vị tướng anh hùng.
Kính xin gia đình Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thứ lỗi cho người viết tập tài liệu này đã đưa ra bằng chứng minh oan quá muộn. Chẳng qua là vì tình thế trước đây không cho phép lật mặt các thủ đoạn đen tối của CIA cũng như của Đại tá Lê Khắc Lý.
BÙI ANH TRINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét