18 tháng 7, 2017

Cùng Tìm hiểu về đại bác của đội quân Tây Sơn

 
Một trong những yếu tố tạo nên sự hùng mạnh của quân đội Tây Sơn không thể không nói tới vai trò của tượng binh, kị binh và pháo binh được trang bị vũ khí vào loại hiện đại. Ngoài các loại vũ khí có tính sát thương cao như hỏa hổ, đội quân Tây Sơn còn sở hữu đại bác đã làm cho quân đội Trịnh “khiếp sợ không dám đánh trả”.

Theo báo cáo của Bá Đa Lộc tại triều đình Pháp “nghĩa quân Tây Sơn năm người mới có một người có súng và thuỷ quân đã có đại bác đặt trên thuyền chiến, còn lục quân chưa có đại bác. Nhưng từ năm 1786 trở đi, với những trận đánh ra Bắc của Nguyễn Huệ, quân đội Tây Sơn đã có hỏa lực rất mạnh, có nhiều súng, nhiều đại bác”.
Đại bác thời Tây Sơn tìm thấy ở Đầm Thị Nại - Lưu giữ tại Bảo tàng Quang Trung (Quy Nhơn – Bình Định).
Quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy được trang bị đại bác với số lượng khá lớn so với các đội quân đương thời, điều đó đã làm nên ưu thế cho quân đội Tây Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống 29 vạn quân Thanh xâm lược, tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị đã rất chủ quan khi nghĩ rằng đã có cách đối phó với hỏa hổ của quân đội Tây Sơn. Tuy nhiên hỏa lực của quân đội Tây Sơn không chỉ có hỏa hổ mà hỏa lực chủ yếu là đại bác và súng trường.
Trong quân đội Tây Sơn, Pháo binh đã giữ một vai trò quan trọng trong phòng ngự thành lũy và trong thủy chiến. Tuy nhiên với đặc tính là một đội quân tiến công thường xuyên di chuyển, do đó để phát huy được uy lực có sẵn của pháo binh, biến các khẩu đại bác thành phương tiện vừa dùng để phòng ngự, vừa dùng để tiến công, vừa đặt cố định tại thành lũy vừa di chuyển được khi chiến đấu giã ngoại. Khắc phục khó khăn đó, quân đội Nguyễn Huệ đã phát triển việc dùng voi di chuyển đại bác bằng cách mang pháo trên lưng hoặc kéo theo sau. Chính sự kết hợp này đã phát huy tác dụng vô cùng to lớn mà Tôn Sĩ Nghị không lường trước được.
Đại bác của quân đội Tây Sơn chủ yếu là chiến lợi phẩm thu được trong cuộc chiến với Trịnh - Nguyễn, bên cạnh đó phải kể đến một số lượng đại bác tự sản xuất. Từ một phương tiện pháo trong quân đội Trịnh-Nguyễn có tác dụng làm cho đối phương hoảng sợ nhiều hơn là sát thương nhưng đã trở thành một phương tiện tiến công có sức sát thương thật sự, cộng với những tác động tâm lý và che mắt làm ngạt thở (đạn nổ nhiều khói) trong quân đội Tây Sơn. Pháo binh dần trở nên đắc lực, giúp tăng thành phần hỏa lực trong chiến đấu lên rất nhiều. Với tính năng kỹ thuật chiến thuật và uy lực sát thương, phá hoại đại bác Tây Sơn hoàn toàn không kém đại bác các nước phương Tây mà quân đội nhà Nguyễn có đó là loại đại bác gang, nặng 100 kg mỗi khẩu với đạn có đường kính 10 tấc.
 Hỏa cầu lưu hoàng (hỏa hổ) một loại vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn khiến cho kẻ thù khiếp sợ.
Sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh đã thực hiện nhiều phản công vào quân đội Tây Sơn và đã thu được rất nhiều đại bác của quân đội Tây Sơn. Điều đó đã phần nào chứng minh sức mạnh của đại bác Tây Sơn: Như trong trận Khố Sơn năm 1793 quân Tây Sơn với 4 nghìn quân phòng ngự nhưng đã có trên 35 đại bác gang và đồng; Năm 1801 tại cửa ải La Qua, quân Tây Sơn đã đặt trên 80 đại bác để phòng thủ; đến trận rút lui trên sông Gianh năm 1802, sau khi đột phá lũy Trấn Ninh không thành công, quân Tây Sơn đã để lại một số lượng khá lớn khoảng 7 trăm khẩu.
Như vậy bên cạnh hỏa hổ một loại vũ khí sở trường của quân đội Tây Sơn, thì đại bác cũng là loại vũ khí chủ lực, góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt địch một cách hiệu quả nhờ tính sát thương và phá hoại cao. Tuy nhiên dưới thời dẫn dắt của Nguyễn Huệ với nghệ thuật chỉ đạo quân sự thiên tài cộng với sự giúp đỡ đắc lực của hỏa lực trong đó có đại bác đã góp phần tạo nên một đội quân Tây Sơn lẫy lừng trong lịch sử, là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Thu Nhuần (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét