25 tháng 7, 2017

Người đắp thành Gia Định và Diên Khánh



gia dinh 1795
Bản đồ thành Gia Định do Shihõken vẽ năm 1795
Tôn Thất Thọ
Theo quan niệm của người Tây phương thì năm 1790 mới là năm khai sinh thành phố Sài Gòn (ville de Saigon), vì năm ấy là năm xây thành Bát Quái, lập nên Gia Định kinh
Sách Sử Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn chép về việc đắp thành Gia Định như sau:
“Đầu năm Canh Tuất (1790), đồn cũ ở làng Tân Khai còn hẹp, bàn rộng đắp thêm (SQT.., sđd, tr. 21).
Trong Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức chép:
        “Ngày 4-2- Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát Quái hình như hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc…” (GĐTTC, sđd, tr.74).
Với cách viết ngắn gọn trên, sách chính sử không ghi tên nhân vật đắp thành Gia Định.
Học giả Trương Vĩnh Ký đưa ra xác định sau đây: “Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hòa”.(Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t. 33, trích theo Nguyễn Đình Đầu, trong  Địa chí Văn hoá TPHCM, sđd, t. 183).
Sách Đại Nam quốc lược sử (1904) của Alfred Schreiner cũng ghi là thành Gia Định do Le Brun thiết kế :
          “Le Brun (Théodore), là người tình nguyện hạng nhất, ở tàu fré gate Méduse, lên cửa Macao ngày 13 tháng janvier 1790, rồi qua giúp Nguyễn chúa cũng nội năm ấy. Người lãnh làm quan bác vật cùng vẽ họa đồ địa phận Sài Gòn”.(ĐNQLS, sđd, tr. 179).
Trái ngược với những ghi nhận đó, tác giả Thụy Khuê trong tác phẩm Vua Gia Long và người Pháp xuất bản gần đây nhận địnhcác ghi chép ở trên đều không đúng, và cho rằng các thông tin trích dẫn trên xuất phát từ  hai nguồn chính là:
1- Bản báo cáo của de Guignes
2- Lá thư của giáo sĩ Lavoué
 Cũng theo tác giả Thụy Khuê, de Guignes là một agent của lãnh sự quán Pháp tại Quảng Đông, thường gửi những bản báo cáo về Bộ Ngoại Giao. Chữ agent có nghiã là nhân viên hay điệp viên, nhưng một nhân viên của toà lãnh sự chuyên viết những bản báo cáo mật về Bộ ngoại giao thì đích thực là điệp viên. Alexis Faure, khi soạn cuốn Bá Đa Lộc, đã sưu tầm trong Văn khố ngoại giao những văn bản này, và cho in lại một số trong sách của ông. Riêng bản báo cáo ngày 29/12/1791, có một câu, sẽ được các ngòi bút thuộc địa sử dụng như tài liệu chính để xác định: Olivier de Puymanel và Le Brun là tác giả thành Gia Định, và Puymanel là người xây thành Diên Khánh và các thành trì Vauban khác ở Việt Nam. Rồi một số tác giả Việt, coi thường hoặc không đọc quốc sử, cứ thế chép lại lập luận của Pháp.
Điệp viên de Guignes, kẻ sáng tạo câu chuyện Puymanel và Le brun xây thành. Nội dung chính của bản báo cáo như sau:
Nếu vua Nam Hà muốn, trong hai năm 1789 và 1790, ông ta đã có thể khôi phục ngay tức khắc vương quốc của ông. Việc các tàu La Dryade, Le Pandour và La Méduse, cùng những tàu khác đến từ Pondichéry, L’Ile de France [tức Ile Maurice] và Macao, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Bắc Hà đang đợi cơ hội thoát khỏi gông cùm để nhận diện vị vua thực sự của mình. Nhưng một vài thành công của ông vua này ít có hiệu lực hoặc không bền. Ông ta chiếm được một vùng (Bình Thuận) để lại ít quân, thế là bị đánh đuổi ngay; ngụy quân lại hy vọng, và hy vọng càng tăng vì tư cách của ông ta. Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay một thành, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này. Tuy nhiên tình hình yên tĩnh trở lại, nhà vua cho giải binh để mọi người về cấy cấy. Hy vọng sẽ được mùa. Dân chúng không ta thán nữa.” (Báo cáo của de Guignes gửi Bộ trưởng Ngoại giao ngày 29/12/1791, Archives des Affaires étrangères; Faure, Chương 18, t. 214-215).
 Từ đó tác giả đã có nhận định:
 “Câu sau cùng là sự bịa đặt chính và quan trọng hơn cả, nó là thuỷ tổ của huyền thoại Olivier và Le Brun là kỹ sư, kiến trúc sư, xây các thành đài ở Việt Nam, de Guignes viết:
“Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này”.
Không biết gián điệp lấy những tin này ở đâu, mà lại đầu Ngô mình Sở đến thế:
Câu đầu là một xác định vô căn cứ: “Các ông Olivier và Lebrun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một bản đồ thành đài” (MM Olivier et Lebrun, officiers français, lui donnèrent un plan de ville fortifiée). Y nằm ở đâu mà biết chuyện hai anh binh nhất, binh nhì Olivier và Le Brun, vừa đào ngũ, “cho” vua một cái bản đồ thành đài? Nếu ta để ý sẽ thấy de Guignes chỉ viết: “Olivier và Lebrun cho ông ta một cái bản đồ thành đài”, nhưng, những sách sử Pháp Việt về sau, biến câu này thành “Olivier và Lebrun xây thành Gia Định”. Tức là một sự biến cải hoàn toàn.
De Guignes kể tiếp: sau khi được Olivier và Lebrun “cho một cái bản đồ thành đài”, thế là Nguyễn Ánh vội xây ngay! Câu này thực ngây ngô, vì ta thừa biết, về vụ bản đồ thành đài thì Nguyễn Ánh thiếu gì, mà phải đợi hai ông Olivier và Lebrun “cho”, các tác giả Âu Việt, từ Barrow, Montyon, Le Labousse, đến Sử Ký Đại Nam Việt đều viết: trong cung Nguyễn Ánh có nhiều sách vở về thành đài, ông thường dở ra xem và học lấy. Vậy không việc gì mà Nguyễn Ánh lại phải vồ vập cái bản đồ thành đài mà hai ông binh nhì, binh nhất mới đào ngũ “cho” rồi hấp tấp xây ngay, nên mới sinh loạn.
Nếu xem lại ngày hai người lính này đến Việt Nam, Olivier de Puymanel đến trước, anh trốn thoát ngày 19/9/1788 ở Côn Lôn, còn Le Brun ngày 13/1/1790 mới đến Macao, ở lại, rồi sau mới tìm cách sang Nam Hà với bạn Olivier. Ngày 27/6/1790, Le Brun được chính thức nhập ngũ, nhận văn bằng cai đội cùng ngày với nhiều người khác.
Vậy nếu Lebrun và Olivier có “cho” vua cái bản đồ gì đó, thì cũng phải là sau khi Le Brun đến Việt Nam, mà theo lịch trình ở trên, sớm lắm là từ tháng 3 đến tháng 6/1790.
Nhưng thành Gia Định, theo Trịnh Hoài Đức, đã đắp ngày 4/2/Canh Tuất (19/3/1790), Thực Lục ghi ngày Kỷ Sửu (9/3 Canh Tuất, 22/4/1790) đắp thành đất Gia Định. Ta nên chú ý đến chi tiết thành đất tức là đất trộn rơm (torchis) rất vững chắc, đó là kiến trúc thành đài kiểu Đông phương. Tây chỉ biết xây thành đá hoặc gạch. Còn về ngày đắp thành Gia Định, chưa biết tại sao có sự sai lệch trong hai bộ sử, hiện giờ chúng tôi dùng ngày của Trịnh Hoài Đức vì ông sống ở Sài Gòn lúc ấy, và Gia Định Thành Thông Chí viết trước Thực Lục. Tất cả những điểm trên dẫn đến kết luận:
Thành Gia Định đã xây trước khi Le Brun đặt chân đến Nam Hà.
Những bản đồ thành Gia Định sau này người ta đưa ra, bảo là do Le Brun vẽ, nếu là y vẽ thực, thì nên hiểu là y đồ lại bản đồ thành phố Sài Gòn đã xây xong rồi.
Sự thể rành rành như vậy, không hiểu sao các sử gia Việt không nhìn thấy lỗ hổng này trong lập luận của sử gia thuộc địa.
Trở lại văn bản của de Guignes, đọc đến câu kế tiếp: làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận, thì chắc de Guignes muốn nói đến thành Diên Khánh chứ không phải thành Gia Định, bởi vì Gia Định lúc đó là kinh đô, không phải là chỗ “cho vua có nơi rút quân khi thua trận”, chỉ Diên Khánh mới là nơi cho vua dừng chân mỗi khi đánh Quy Nhơn thua trở về.” (Trích: Vua Gia Long và người Pháp…, sđd, tr. 287-288).
*** Qua những điều mà tác giả Thụy Khuê đã phân tích, ta có thể xác định người xây dựng thành Gia Định năm 1790 không phải do hai người Pháp nói trên:
Vậy ai mới là người cho xây thành Gia Định ?
 Sách Đại Nam Liệt Truyệndo Quốc Sử Quán biên soạn đã ghi vắn nhưng nội dung rất quan trọng:
       “Năm Canh Tuất (1790), mùa Xuân, (Tôn Thất) Hội đắp thành đất ở Gia Định” ĐNLT, sđd,tr 72)
         Việc đắp thành Diên Khánh, cũng được sách ghi ngắn gọn:
        “Đại binh vào cửa biển Thị Nại; Hội từ Hà Nha, Cù Mông chia làm hai đường đến đánh úp tên Bảo là con ngụy Nhạc ở Thổ Sơn, Bảo thua chạy về thành Quy Nhơn. Hội cùng đạo binh họp lại để bao vây, giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh.” (ĐNLT, sđd, tr.73).
 Trong cuốn Gia phả của dòng tộc của ông, chúng tôi cũng đọc được các dòng ghi về việc đắp thành Diên Khánh như sau:
 “…Bảo tẩu hồi Qui Nhơn thành. Nhạc (Nguyễn Nhạc) bế thành cự thủ, công dữ Vũ Tánh hội chư đạo bộ binh tấn bạc thành ngoại liệt, sách vi chi thích tặc viện chí nãi giải vi, hoàn trúc Diên Khánh thành…” (Tạm dịch: Bảo chạy lui về thành Qui Nhơn. Nhạc đóng cửa, quyết tử thủ. Ông cùng Võ Tánh tập hợp bộ binh đến ngoài Bạc Thành, vây kín.Khi quân cứu viện của Nhạc đến thì bỏ vòng vây, trờ về xây thành Diên Khánh. …)
        Như vậy, theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, người xây (đắp) thành Gia Định và thành Diên Khánh chính là Tôn Thất Hội.
***
Tôn Thất Hội (1757-1798) là một công thần thời Nguyễn sơ.Theo Gia phả, ông là con thứ ba của cai đội Tôn Thất Thắng. Năm 18 tuổi, ông theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần vào Gia Định (1775), tiếp đó ông theo Nguyễn Ánh, hai lần chạy sang Xiêm, làm tới chức Đại tướng, Chưởng dinh Hậu quân.
2
Gia phả dòng tộc của ông Tôn Thất Hội
Năm 1787, anh em Tây Sơn bất hoà, Nguyễn Ánh từ Xiêm về chiếm lại Gia Định. Trong những trận đánh quyết liệt năm 1788-1789, Tôn Thất Hội giữ vai trò chủ chốt. Sách Đại Nam Liệt Truyện chép:
        “Mùa thu năm Mậu Thân (1788), đại binh đến đóng ở Tam Phụ. Hội cùng Vũ Tính (Võ Tánh]) đánh giặc ở Ngũ Kiểu, lấy đèn lồng sắt đốt  rào sách (?)của giặc, giặc sợ tan vỡ cả. Bắt sống được không biết đâu mà kể.Bèn nhân thế được, tiến sát đến Sài Gòn, đánh phá được Thái bảo của giặc là Phạm Văn Tham chạy đến giữ Ba Thắc (Sóc Trăng).Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Hội điều khiển quân các đạo cùng bọn Vũ Tính đánh giặc ở Hổ Châu.Tham sức kém bèn đầu hàng. Lại cùng Nguyễn Văn Trương đánh dẹp bọn lũ còn lại của người Man Ốc Nha Ốc. Tân Hợi (1791), bổ làm Chưởng Tiền quân doanh (Chưởng dinh Tiền Quân).Năm Quý Sửu (1793) thăng Khâm Sai Bình Tây Đại tướng quân, tước Quận công” (ĐNLT, sđd, tr. 73).
Năm 1797, Nguyễn Ánh đi đánh Quy Nhơn, “để Hội ở lại trấn Gia Định. Uy lịnh nghiêm túc, trong cõi yên lặng.Mùa đông năm Mậu Ngọ (1798) bị bệnh chết, tuổi bốn mươi hai.Thế Tổ rất thương tiếc, tặng là Nguyên phụ công thần, Thượng phụ quốc Chưởng doanh.”(ĐNLT, tr. 74).
 Có thể nói rằng trong số các nhân vậttheo Nguyễn Ánh từ thời lưu vong ở Vọng Các, Tôn Thất Hội đứng hàng đầu:
Hội là người nghiêm trọng, kính giữ lễ độ, công cao mà không khoe, ngôi tôn mà càng khiêm tốn, mỗi khi vào chầu ra mắt đi đứng có chỗ thường, ăn mặc như nhà Nho, các tướng đều kính mà sợ. Lê Văn Duyệt từng bàn về điều được điều hỏng của các tướng, bảo rằng: Tống Viết Phước hăng mạnh mà không có mưu, Nguyễn Văn Thành có mưu mà ít hăng mạnh. Duy Hội trí dũng gồm đủ, thật là bậc danh tướng. (…).
Năm (Gia Long) thứ 16 vua thấy Hội là người huân nghiệp danh vọng rõ rệt đừng đầu các bề tôi đời trung hưng, cho phụ tế ở Võ Miếu”. (ĐNLT, sđd, tr. 75)).
Là người trong hoàng tộc, Tôn Thất Hội hơn chủ tướng 5 tuổi, và thuộc về vai chú của Nguyễn Ánh.(ông là cháu nội của Quận công Tôn Thất Tú- hoàng tử thứ 18 của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).(Tôn Thất Hội có cháu là Thượng thư Tôn Thất Hiệp, thời Tự Đức là Khâm sai đại thần; ông Hiệp là người cho xây đại đồn Phú Thọ, về sau là đồn Chí Hòa). Là người đã trưởng thành khi phải bỏ kinh đô vào Nam, nên ông có đủ thời gian để học hỏi hơn Nguyễn Ánh (lúc đó mới 13 tuổi). Ông có đủ khả năng của một vị tướng văn võ kiêm toàn, cho nên Lê Văn Duyệt, vốn rất “cao ngạo” mới có những lời như trên về ông.
Theo nhận định của tác giả Thụy Khuê,Tôn Thất Hội là một vị tướng kiêm việc công chánh; một loại “kỹ sư trưởng” có trách nhiệm cao nhất. Mặc dù ông điều khiển mọi việc xây thành, nhưng chắc chắn Nguyễn Ánh đã  chủ trì tất cả, vì thế mà những người muốn có độ chính xác trong sách như Trịnh Hoài Đức và các sử gia triều Nguyễn trong Thực lục, đã không đề rõ tên ai xây thành, họ không muốn ghi một điều không xác thực, vì vậy mà người Pháp mới có cớ để nhận vơ các thành Gia Định và Diên Khánh do Puymanel xây làm cho việc xác định sự thực gặp nhiều khó khăn.
3
Mộ Quận công Tôn Thất Hội ở Hương Thủy Huế
4
Nhà thờ Quận công Tôn ThấtHội ở phường Xuân Phú, Huế
Trên tạp chí BAVH ( Những người bạn cố đô Huế) xuất bản năm 1914 có bài viết về Quận Công Tôn Thất Hội được vua Minh Mạng liệt vào hạng công thần, nên đã đưa vào thờ tại Tả tùng tự – Thế Miếu (Đại Nội ). Kèm theo bài vị của ông:
5.png
6
Dịch :  Tôn Thất Hội lúc đầu ở Nam Kỳ với vua Thế Tổ, sau qua Xiêm. Sau đó đánh thắng quân Tây sơn ở Gia Định. Tổng chỉ huy kinh thành Diên Khánh, tỏ rỏ thiên tài quân sự và đã đánh thắng trong trận Thị Nại.  Ông có nhiều chiến công trong nhiều trận đánh và được phong chức:
 “Khâm sai; Bình tây Đại tướng quân, Quận công ” ( Biệt phái của vua, Tổng chỉ huy lực lượng dẹp loạn chống Tây Sơn. Tước bậc nhì ).  Ông qua đời vào lúc 42 tuổi
 Niên hiệu Gia Long năm thứ 6, ( 1807) quyết định tất cả bầy tôi theo vua sang Băng Cốc có một cấp riêng trong Miếu Công Thần. Ông Tôn Thất Hội có bài vị đứng đầu trong hạng đó. Vào đến niên hiệu Minh Mạng thứ 5 (1824), Bài vị của ông được đưa vào Thế Miếu, rồi đến niên hiệu thứ 12 ( 1831) được truy tặng: “ Trung quân. Tá Vận Tôn Thần Tôn Nhơn Phủ Tả Tôn Chánh.Đặt Tấn Tráng Võ Đại Tướng Quân.Tiền quân Đô thống Phủ chưởng phủ sự. Lạng Giang Quận Công ”  (Trung quân. Có họ với vua.Chủ tịch Bộ Hoàng Tộc.Nguyên Soái quân Tiền Vệ. Tổng Tham nưu trưởng. Tước vị :  Lạng Giang Quận Công)
Đền thờ ông Tôn Thất Hội hiện ở tại phường Xuân Phú, Thành phố Huế.
————
Tài liệu tham khảo:
– Gia phả của Phòng Lạng Giang Quận công (tư liệu của tác giả).
– Đại Nam Liệt Truyện T2, QSQTN, Nxb Thuận Hóa, 1994.
– Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, Nxb Giáo Dục, 1999.
– Vua Gia Long và người Pháp, Thụy Khuê, Nxb Hồng Đức, 2007.
– Những người bạn của cố đô Huế (BAVH),Nxb Thuận Hóa,  1914.
– Sử Quốc triều chính biên toát yếu, QSQTN, Nxb Thuận Hóa, 1994.
– Địa chí Văn hóa TPHCM- Lịch sử, Nhiều tác giả, Nxb TPHCM, 1987.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét