Sáng
11-3, ngay sau khi được tin Buôn Ma Thuột đã bị đánh chiếm, Nguyễn Văn
Thiệu họp với 3 cố vấn thân cận của mình là Trần Thiện Khiêm – Thủ
tướng, Cao Văn Viên – Tổng Tham mưu trưởng và tướng Đặng Văn Quang.
Tại đây, Thiệu phác ra kế hoạch trên bản
đồ và nói: “Với sức lực và khả năng của ta, chắc chắn không giữ được
toàn bộ vùng đất Tây Nguyên theo ý muốn. Chúng ta phải triển khai lại
lực lượng làm sao có thể giữ những vùng đông dân và trù phú này thôi.
Chính những vùng này mới thật quan trọng”. Ngay sau đó, Thiệu yêu cầu
tái chiếm Buôn Ma Thuột bằng mọi giá.
Phạm Văn Phú, Tư lệnh vùng II chiến
thuật, tìm cách cứu vãn tình thế. Phú là một tướng tồi, không được giới
quân sự tín nhiệm nhưng lại được Thiệu nâng đỡ bởi vì cả hai cùng giúp
nhau lên chức. Trưa 14-3, một cuộc họp bí mật có sự tham dự của Trần
Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang được tiến hành ở Cam Ranh theo
đề nghị của Phú vì Pleiku không an toàn.
Tình hình Quân đoàn II ngụy rất đen tối.
Hầu như toàn bộ Buôn Ma Thuột đã bị quân ta kiểm soát. Các đường giao
thông đều bị cắt đứt. Thiệu hỏi: “Có thể chiếm lại Buôn Ma Thuột hay
không?”. Phú không trả lời dứt khoát mà chỉ xin thêm quân và máy bay lên
thẳng để chở quân vì không thể tiếp viện bằng đường bộ. Nghe yêu cầu
này của Phú, Thiệu lắc đầu, không đáp ứng vì không còn quân dự bị và 200
trong 400 trực thăng của ngụy hoặc đã bị bắn rơi, hoặc không còn hoạt
động được nữa do thiếu phụ tùng thay thế.
Kết thúc cuộc họp, Thiệu lệnh cho Phú rút
bỏ Pleiku, Kon Tum, triển khai lực lượng tái chiếm Buôn Ma Thuột. Các
đơn vị còn lại sẽ rút về Tuy Hòa. Ở đó sẽ tập hợp củng cố lực lượng tiến
hành một chiến dịch chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Phú chủ trương rút quân theo đường số 7B
để tranh thủ bất ngờ. Đây là con đường liên tỉnh từ lâu hầu như đã bị bỏ
quên nên hư hỏng nặng. Cầu cống trên đường bị sập. Rõ ràng, cuộc rút
quân trên con đường mới lạ, xuyên qua núi rừng, đầy rủi ro nguy hiểm này
không có một biện pháp trợ giúp tối thiểu nào của Bộ Tổng tham mưu là
một cuộc phiêu lưu lớn, nhưng đành chấp nhận vì không còn đường nào
khác. Phú chỉ đề nghị với Thiệu một “ân huệ” cuối cùng là thăng chức
tướng cho Phạm Duy Tất, Tư lệnh biệt động quân vùng II chiến thuật. Lần
này thì Thiệu đồng ý.
Nhưng Thiệu có ngờ đâu, đây là “con bài
chuồn”, là một trò “thế mạng” của Phú vì khi trở về Pleiku, Phú lập tức
giao quyền cho “tân chuẩn tướng” Phạm Duy Tất chỉ huy cuộc rút lui. Ngay
sau đó, Phú rời Pleiku bằng trực thăng với lý do về trông coi sở chỉ
huy mới ở Nha Trang, bỏ mặc Tất cùng toàn bộ binh sĩ ngụy ở vùng II
chiến thuật đi vào cõi chết!
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2000
Sơn Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét