Nước Mỹ mỗi năm đều mừng ngày Lễ Columbus, mà người Việt mình thường quen gọi là Kha Luân Bố, để tưởng niệm và vinh danh người đã tìm ra Tân thế giới (tức châu Mỹ ngày nay). Ngày Lễ Columbus được chọn là ngày thứ Hai của tuần lễ thứ hai trong tháng 10, và năm nay rơi vào ngày 9/10. Tất cả các trường học và công sở đều được nghỉ, nhờ vậy nên những ai phải đi làm ngày hôm đó đỡ được một ngày kẹt xe, tới được sở làm sớm hơn ít phút để làm vui lòng sếp và áp huyết trong người nhờ vậy cũng hạ thấp hơn mọi khi.
Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận là có nên giữ lại ngày lễ này hay không, và nếu được thì hãy đổi nó thành một ngày lễ khác và đặt cho nó một cái tên khác, chẳng hạn, ngày Lễ Người Bản xứ (Indigenous People Day) – tức người thổ dân da đỏ. Hiện nay đã có một số tiểu bang và thành phố đã quyết định như thế.
Trước đây lúc còn đi học, hầu như ai trong chúng ta cũng đều nhớ đã từng được đọc câu chuyện quả trứng của Kha Luân Bố rồi – một câu chuyện ngụ ngôn rất thú vị. Chuyện kể rằng: Sau khi tìm ra Tân thế giới và trở về lại châu Âu, Kha Luân bố đã được triều đình Tây Ban Nha hậu đãi mở tiệc linh đình để thết đãi người đã có công tìm ra con đường hàng hải mới. Trong bữa tiệc có nhiều người ganh tỵ với ông mới to nhỏ rằng: “Nếu không có Kha luân Bố tìm ra mảnh đất đó thì cũng sẽ có người khác tìm ra thôi “.
Lặng yên không tranh cãi, chờ đến gần tàn bữa tiệc, Kha Luân Bố mới yêu cầu mang đến cho ông một quả trứng, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông thách thức bất cứ ai trong số quan khách có thể đặt quả trứng đứng yên giữa cái đĩa. Ông nói rõ, có thể dùng mọi phương cách nhưng không được dùng bất kỳ vật hỗ trợ nào khác. Rất nhiều người tiến lên để thử và họ loay hoay rất lâu nhưng không cách nào giữ cho quả trứng đứng yên được. Chỉ cần buông tay ra là nó ngã lăn xuống đĩa.
Sau khi mọi người đều thừa nhận là câu thách thức của Kha Luân Bố không thể thực hiện được, ông lặng lẽ đến bên chiếc đĩa, cầm lấy quả trứng và đập nhẹ một đầu xuống bàn cho vỡ móp đi và sau đó đặt nó đứng yên dễ dàng trên chiếc đĩa. Lúc ấy mọi người mới ồ lên, nhưng vẫn có người chưa chịu và lên tiếng: “Có thế thôi chứ đâu có gì là khó, nếu làm như vậy thì ai chẳng làm được.”
Kha Luân Bố bèn trả lời: “Dĩ nhiên là khi đã có người chỉ cho thấy phải làm sao rồi thì không có gì khó cả. Cũng như việc tìm ra châu Mỹ vậy, khi tôi đã tìm ra rồi thì ai cũng cho là dễ, nhưng nếu các người không tìm ra được cách để quả trứng đứng được thì liệu có tìm ra được châu Mỹ hay không?”
Thực ra Columbus không phải là người đầu tiên tìm ra được lục địa châu Mỹ mà chính là những người da đỏ đã đến mảnh đất này từ nhiều ngàn năm trước. Có thuyết cho rằng những người này hơn mười ngàn năm trước đã từ châu Á đi lần theo dải đất lúc đó còn nối liền giữa Alaska và Canada hiện nay rồi cứ thế từ từ đi dần xuống tận tới mỏm phía nam là vùng đất Argentina ngày nay.
Columbus cũng không hẳn là người Âu châu đầu tiên tìm ra Tân thế giới mà chính là nhóm người Viking ở Bắc Âu đã đặt chân lên mảnh đất Newfoundland thuộc châu Mỹ trước ông năm thế kỷ. Đây là vùng đất nằm ở phía tây của Canada.
Thời thế kỷ 15 có lẽ người Âu châu lúc đó chưa có tinh thần quốc gia cao như ngày nay nên Columbus mặc dù là người gốc Genoa (nước Ý bây giờ) nhưng sống một thời gian ở Bồ Đào Nha và sau cùng thì làm việc cho triều đình Tây Ban Nha dưới thời vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella.
Thời đó, người phương Tây đã biết được con đường bộ đi từ Âu sang Á từ thế kỷ 13 là nhờ có tấm bản đồ chỉ đường của Marco Polo, cũng là một người Ý. Tham vọng của Columbus là vẽ một con đường mới, con đường trên biển để có thể đi bằng tàu buồm đến Trung Hoa, Ấn Độ và những hải đảo Á châu được mô tả là đầy vàng bạc và các chất hương liệu.
Mặc dù phần đông người thời đó vẫn còn tin rằng trái đất hình vuông và mặt phẳng, nhưng ngược lại, với những người có học thức như Columbus thì hiểu rằng trái đất hình tròn. Chỉ có điều là họ chưa biết ở mặt bên kia của trái đất còn có một vùng biển khác là Thái Bình Dương. Do đó, Columbus và những người cùng thời với ông đều cho rằng Âu châu và vùng Đông Ấn giàu tài nguyên chỉ cách nhau có một Đại Tây Dương mà thôi. Thế rồi ông hoạch định một con đường đi tới châu Á bằng đường biển và đoán rằng nếu cứ nhắm thẳng hướng tây mà đi thì thế nào cũng đụng một vùng đất nào đó thuộc châu Á.
Columbus đã phải mất bốn năm để đi thuyết phục các triều đình từ Bồ Đào Nha qua tới Ý, nhưng đều bị từ chối, và đến năm 1492 thì được triều đình của Tây Ban Nha đồng ý tài trợ cho chuyến đi thám hiểm.
Tối ngày 3 tháng 9 năm 1492, Columbus cùng một đoàn thủy thủ trên ba chiếc tàu là Santa Maria, Pinta và Nina bắt đầu rời bến cảng Palos de la Frontera dong buồm tiến về hướng tây. Sau năm tuần lễ vượt đại dương đầy gian nan, lúc 2 giờ sáng ngày 12 Tháng 10, đoàn thám hiểm lần đầu tiên nhìn thấy đất liền, đó là vùng quần đảo ngày nay được biết tới là Bahamas.
Tới cuối tháng 10, Columbus nhìn thấy Cuba và tin rằng đó là đất Trung Hoa; và đến tháng 12 thì đoàn thám hiểm tìm được vùng đất Hispaniola mà ông lầm tưởng đó là Nhật Bản. Tại đây, ông thành lập thuộc địa đầu tiên của Tây Ban Nha ở châu Mỹ cùng với 39 thủy thủ của ông.
Tháng 3 năm 1493, Columbus trở về Tây Ban Nha trong khải hoàn, mang theo rất nhiều vàng, hương liệu và một số tù binh da đỏ mà ông lầm gọi là người “Ấn Độ”. Columbus sau đó còn vượt Đại Tây Dương thêm ba lần nữa trước khi qua đời vào năm 1506.
Phải mãi đến chuyến hành trình thứ ba thì Columbus mới ngỡ ra rằng ông chưa tới được châu Á mà chỉ đụng vào một lục địa còn hoang sơ mà người Âu châu chưa từng biết hay nghe tới trước đó.
Vậy ta có thể nói chuyến hải hành mang lại nhiều danh vọng cho Columbus đó thực ra là một chuyến đi đầy may mắn của ông. Giả thử như nếu không có dải đất chắn dọc từ Bắc cực xuống tới Nam cực đó thì đoàn tàu của ông có thể đã phải đi vào tử địa vì vùng biển Thái Bình Dương lớn hơn nhiều so với Đại Tây Dương và có lẽ phải đi mất thêm nhiều tháng nữa. Thực phẩm cạn, nước uống không còn, bệnh tật và bão tố – chỉ cần một trong những điều trên xảy ra là có thể tiêu đời.
Nếu không có Columbus tìm ra được châu Mỹ thì có lẽ rồi cũng có người nào đó sớm muộn sẽ tìm ra được thôi. Nhưng nếu phải chờ thêm chừng một thế kỷ nữa mới tìm ra được châu Mỹ thì lịch sử thế giới chắc chắn sẽ khác đi. Có thể sẽ không có những quốc gia Hoa Kỳ hay Canada mà là những quốc gia nào đó cũng được thành lập bởi những người từ Âu châu sang, cũng nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhưng cục diện lịch sử và địa lý sẽ hoàn toàn khác.
Thế nên, cho dù là gì đi chăng nữa thì ta vẫn phải nhìn nhận rằng Columbus đã đóng một vai trò quan trọng trong sự vận hành của lịch sử, hay nói cách khác, Columbus đã làm thay đổi một phần lịch sử của thế giới.
Nhưng lịch sử luôn luôn được nhìn lại, và lịch sử ngày nay nhìn Columbus bằng một lăng kính khác, qua một chân dung khác với hình ảnh của một Columbus đa mưu, sắt máu và tàn bạo. Sau khi đến được Bahamas, Columbus và đoàn người thám hiểm đã bắt tất cả những người thổ dân ở đó làm nô lệ và bắt họ dẫn đường chỉ cho ông tới chỗ chứa vàng, mặc dù trong hồi ký, Columbus đã mô tả đám người thổ dân này là những con người hiền lành, có phần chất phác, trong tay không có một thứ vũ khí nào gọi là nguy hiểm và có thể bị khống chế dễ dàng bởi một đám thuỷ thủ vài chục người.
Sau này khi làm thống đốc của vùng đất Hispaniola, Columbus đã áp dụng chính sách cai trị thật hà khắc lên đám thổ dân, đàn áp thẳng tay nếu như họ manh nha có ý đồ kháng cự, kể cả tra tấn dã man và xử tử.
Đó là chưa kể khi những nhóm di dân da trắng từ Âu châu sang định cư còn mang theo đến vùng đất mới những căn bệnh truyền nhiễm như đậu mùa và cúm, và đã lây sang cho những người thổ dân làm cho số người chết vì bệnh dịch khá nhiều. Rồi chiến tranh nổ ra giữa thổ dân và người châu Âu định cư cũng lấy đi rất nhiều mạng sống.
Trong vòng một hai thập niên qua đã có nhiều nhóm tranh đấu cùng với một số những con cháu của người thổ dân da đỏ xưa đã lên tiếng chống đối ngày Lễ Columbus vì họ cho rằng không có lý do gì để vinh danh một nhân vật và một sự kiện lịch sử đã đưa tới kết quả là thuộc địa hoá cả một vùng đất châu Mỹ đất đai bao la, khởi đầu cho những chuyến buôn bán người nô lệ da đen xuyên qua hai bờ Đại Tây Dương, cùng lúc gây ra hàng triệu cái chết của người thổ dân da đỏ do bị giết và bị lây bệnh.
Do đó, trong tât cả những ngày lễ chính thức của nước Mỹ, có thể nói ngày Lễ Columbus hiện đang có nguy cơ bị hủy bỏ nhiều nhất vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét