Nỗi lo của Liên Xô về nguy cơ Mỹ tấn công hay một vụ cá cược tiên đoán cái chết của Kennedy là thông tin mới được giải mật.
Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: History.
|
Ông Trump ngày 26/10 cho công bố 2.800 hồ sơ liên quan đến vụ ám sát
tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy. Ông Kennedy bị ám sát vào
trưa ngày 22/11/1963 tại thành phố Dallas khi đang ngồi trên ôtô cùng
vợ. Giới chức kết luận rằng cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald đã bắn vào đầu Kennedy.
Oswald bị bắt và bị cáo buộc thực hiện vụ ám sát. Y bị bắn chết
bởi chủ tiệm hộp đêm Dallas Jack Ruby vào ngày 24/11, trong khi được
chuyển từ nhà tù thành phố đến nhà tù quận. Giới chức nói rằng Oswald
hành động đơn độc nhưng nhiều người Mỹ tin rằng Oswald có đồng bọn. Vụ
ám sát được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện
đại, với hàng loạt tin đồn và nghi vấn liên quan.
Dưới đây là những nét chính trong các tài liệu được giải mật:
Khoản cược 100 USD
Robert C. Rawls, người có mặt tại một quán bar ở New Orleans, Los
Angeles nói trong một cuộc phỏng vấn với mật vụ Mỹ rằng 10 ngày trước vụ
ám sát, ông nghe thấy một người trong quán bar đặt cược rằng ông
Kennedy sẽ chết trong vòng ba tuần. Rawls cho biết ông say rượu vào thời
điểm đó nên không thể nhớ tên, ngoại hình của người đặt cược hay tên
của quán bar.
Phản ứng của Liên Xô
Theo bản ghi nhớ của Cục Điều tra Liên bang (FBI) năm 1966, KGB, cơ
quan tình báo của Liên Xô, đặt ra giả thuyết rằng ông Lyndon B. Johnson là người đứng sau vụ việc. Johnson là phó tổng thống dưới thời Kennedy và là người kế nhiệm Kennedy sau khi ông bị ám sát.
Ngoài ra, Moscow cho rằng vụ ám sát có thể sử dụng bởi các nhà lãnh đạo
quân sự Mỹ để kích động tinh thần chống Liên Xô và thậm chí dẫn đến một
cuộc tấn công, theo NYPost.
Sau khi giải ngũ khỏi thủy quân lục chiến Mỹ, Oswald đã chuyển đến sống
tại Liên Xô vào tháng 10/1959. Y sống ở thành phố Minsk cho đến tháng
6/1962 rồi trở về Mỹ với vợ và định cư tại Dallas.
"Nguồn tin của chúng tôi nói rằng các quan chức Liên Xô lo ngại khi Mỹ
mất đi nhà lãnh đạo, một số tướng lĩnh vô trách nhiệm tại Mỹ có thể khởi
động cuộc tấn công tên lửa vào Liên Xô", bản ghi nhớ có đoạn.
Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ Lyndon B. Johnson. Ảnh: History.
|
Nỗi lo của giám đốc FBI
Chỉ vài giờ sau khi Lee Harvey Oswald bị giết tại Dallas, giám đốc FBI
J. Edgar Hoover cho rằng chính phủ cần đưa ra một cái gì đó "để thuyết
phục công chúng" rằng Oswald đã giết Tổng thống John F. Kennedy, theo AP.
Hoover nói FBI đã điều một nhân viên tới bệnh viện với hy vọng nhận
được lời thú nhận từ Oswald, nhưng Oswald đã chết trước khi điều đó có
thể xảy ra. Ông cũng đề nghị FBI đưa ra một báo cáo điều tra hoàn
chỉnh cho Bộ trưởng Tư pháp với hình ảnh, xét nghiệm và các bằng chứng
khác. Ông cho rằng ông có thể giao báo cáo đó cho ông Johnson và nhà
lãnh đạo sẽ quyết định có nên công bố nó hay không vì tính chất nhạy cảm
của vụ việc.
Cuộc gọi nặc danh
Một phóng viên cấp cao của báo Cambridge News đã nhận được một cuộc gọi
bí ẩn vào lúc 18h05 GMT ngày 22/11/1963 theo giờ địa phương. Ông
Kennedy bị bắn ngay sau đó, vào lúc 12h30, giờ miền trung Mỹ (18h30
GMT).
"Người gọi tới chỉ nói phóng viên Cambridge News nên gọi điện cho đại
sứ quán Mỹ ở London để có tin quan trọng rồi cúp máy", theo bản ghi nhớ
phó giám đốc FBI James Angleton gửi tới giám đốc J. Edgar Hoover.
Sau khi có tin ông Kennedy bị ám sát, phóng viên đã báo cho cảnh sát
Cambridge về cuộc gọi nặc danh. Cảnh sát sau đó báo tin với cơ quan tình
báo Anh MI5. Điểm quan trọng là cuộc gọi diễn ra chỉ 25 phút trước khi
ông Kennedy bị bắn.
Giả thiết của Lyndon B. Johnson
Tổng thống Johnson cũng có giả thiết riêng của mình. Johnson tin rằng
ông Kennedy đứng sau vụ ám sát tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình
Diệm vài tuần trước đó và vụ ám sát Kennedy là hành động "ăn miếng trả
miếng".
Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi các tướng lĩnh dưới quyền ngày 1/11/1963
trong cuộc đảo chính có sự hỗ trợ của tình báo Mỹ. Ngô Đình Diệm bị ám
sát ngày 2/11/1963.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Richard Helms cho biết vào
năm 1975 rằng ông Johnson "thường nói lý do Kennedy bị ám sát là vì ông
đã ám sát Ngô Đình Diệm".
"Tôi không biết ông ấy lấy ý tưởng đó từ đâu", Helms nói. Quan điểm của
Kennedy trong vụ ám sát Ngô Đình Diệm vẫn còn là điều tranh cãi, Ken
Hughes, một nhà sử học thuộc Trung tâm Miller của Đại học Virginia cho
biết.
Mặc dù Trump đã tích cực thúc đẩy việc công bố dữ liệu, 300 tài
liệu vẫn được giữ kín. Những tài liệu này sẽ được kiểm tra trong 6 tháng
theo yêu cầu của FBI và CIA. Vì vậy, các câu hỏi xoay quanh vụ ám sát
và các thuyết âm mưu sẽ vẫn tiếp tục được đưa ra.
Phương Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét