16 tháng 6, 2012

Chiến dịch Lam Sơn 719 (#01)

Chiến dịch Lam Sơn 719 hay Cuộc Hành quân Hạ Lào là một chiến dịch do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam (hay VC) tại Lào và cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Tchepone nằm cách biên giới Việt-Lào 42 km về phía Tây.

Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Lực lượng tham chiến
Lực lượng của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ trong cuộc hành quân này gồm có:
Quân lực Việt Nam Cộng hòa:
 •3 sư đoàn: Sư đoàn Dù (gồm 3 lữ đoàn 1,2,3), Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh
 •3 lữ đoàn: Liên đoàn 1 Biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 - sư đoàn bộ binh số 2
 •4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: trung đoàn 17, 11, 7, 4 (trang bị xe tăng M-41)
 •13 tiểu đoàn pháo binh
Quân Mỹ:
 •12 tiểu đoàn bộ binh: 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn Dù 101, 4 tiểu đoàn lữ 1 sư đoàn 5 bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn Americal
 •8 tiểu đoàn pháo binh (cỡ pháo từ 155 mm đến 203 mm)
 •1200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay chiến lược B-52
Quân đội Hoàng gia Lào
 •2 binh đoàn cơ động GM30 và GM33
Quân đội Nhân dân Việt Nam (VC), với chỉ huy là Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (mật danh là "Bộ tư lệnh 702").
 •Các sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320 và 324
 •Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng T-34, T-54, PT-76
 •Một số tiểu đoàn đặc công
 •Ba trung đoàn pháo binh cơ giới: 368, 38, 45
 •Trung đoàn pháo mang vác 84
 •Ba trung đoàn pháo phòng không: 230, 241, 591
 •Ba trung đoàn công binh: 219, 83, 7
 •Bảo vệ hậu phương chiến lược, trực tiếp của chiến dịch là Sư đoàn phòng không 367 gồm 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237
 •Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559
Chiến lược và kế hoạch
Mục tiêu của QLVNCH là xâm chiếm phần lãnh thổ Lào quanh đường 9, kéo dài từ biên giới tới thị trấn Xê-pôn; tiêu diệt lực lượng đối phương đóng trong vùng; phá hủy tất cả các kho xăng dầu và hậu cần; kiểm soát mọi sự thâm nhập dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam.
Đối với QLVNCH, chiến thuật cơ bản của Lam Sơn 719 là đánh-và-rút. Trên kế hoạch, điều này là khả thi do yểm trợ về không quân và khả năng di chuyển bằng máy bay. Để gây thiệt hại tối đa về người cho QĐNDVN, QLVNCH sẽ tiến công và thiết lập các cứ điểm mạnh, kéo đối phương vào các vùng trống, tạo điều kiện cho hỏa lực mạnh của không quân và pháo binh Mỹ phát huy hiệu quả. Các nhà chiến lược quân sự Mỹ cho rằng, với “ưu thế tuyệt đối, 600 - 1.000 máy bay lên thẳng sẽ cho phép 20.000 quân Sài Gòn làm được những điều mà phải cần đến 8 hoặc 10 vạn quân”.
Ngày 7 tháng 1 năm 1971, MACV nhận được thẩm quyền lập kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công vào các khu căn cứ 604 và 611 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tướng James W. Sutherland, Jr., được giao nhiệm vụ lập kế hoạch để MACV thông qua.

Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ bao gồm 4 pha. Trong pha đầu tiên, quân Mỹ sẽ chiếm vùng sát biên và thực hiện các hoạt động nghi binh. Tiếp theo, đội hình Dù phối hợp tăng thiết giáp của VNCH sẽ tấn công dọc theo đường 9 về phía thị trấn Tchepone (Xê-pôn) của Lào - căn cứ hậu cần 604 của QĐNDVN. Đội hình tiến công sẽ được bảo vệ bởi các đơn vị Dù và Biệt động quân ở sườn phía bắc và Sư đoàn 1 Bộ binh ở sườn phía Nam. Trong pha thứ 3, các hoạt động tìm diệt tại Tchepone (Xê-pôn) sẽ được thực hiện. Cuối cùng, các lực lượng của VNCH sẽ rút ra dọc theo đường 9 hoặc qua căn cứ 611 và ra khỏi địa phận Lào qua thung lũng A Sầu. Những người lập kế hoạch đã hy vọng rằng quân đội của VNCH có thể trụ lại Lào cho đến khi mùa mưa đến vào đầu tháng 5.

Phần chiến dịch do Mỹ thực hiện được đặt tên Dewey Canyon II, lấy tên theo chiến dịch Dewey Canyon do thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện tại vùng Tây Bắc Việt Nam Cộng hòa năm 1969, với hy vọng rằng sự trùng tên này sẽ làm Hà Nội nhầm lẫn về mục tiêu chính của cuộc tấn công. Phần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đặt tên Lam Son 719, con số 719 được ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của cuộc tấn công.

Ngày 29 tháng 1, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn lần cuối đối với chiến dịch. Ngày hôm sau, chiến dịch Dewey Canyon II bắt đầu. Việt Nam Cộng hòa sắp bước vào chiến dịch lớn nhất, phức tạp nhất, và quan trọng nhất của họ trong cuộc chiến tranh.

(xin xem #02)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét