Trận Chiến Thường Đức (Phần 2) / Tác giả: Trương Dưỡng
Giảm quân số tại hậu cứ, các văn phòng, các đơn vị
hành chánh, yểm trợ tiếp vận, và ngay cả trung tâm huấn luyện cũng phải giảm bớt
để dồn ra vùng hành quân. Chuyển 2,000 thặng số quân y cho bệnh viện Cộng Hòa
quản thúc (nhờ vậy quân đội có thêm hai ngàn binh sĩ để bổ sung và tăng cường).
Tại khu vực hành quân, các tiểu đoàn cũng trích quân số để lập thành những đại
đội đặc biệt.
Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 2 Nhảy Dù được chỉ định huấn luyện kỹ
thuật tác chiến (từ quy ước tới không quy ước), ngay cả kỹ thuật đặc công, và
được mang danh hiệu là các “Đại Đội Đa Năng.”
Việc thành lập và huấn
luyện các đại đội đa năng này làm các ông trong tòa Đại Sứ Mỹ quan tâm, thắc mắc
nhiều. Các phái đoàn tùy viên quân sự ngoại quốc tới thăm Sư Ðoàn Nhảy Dù đều
đặt câu hỏi về đơn vị đa năng:
# Ngân sách nào cung ứng để thành lập?
#
Lập các đơn vị này để làm gì ?
# Có bao nhiêu đơn vị đa năng ?
# Ở cấp nào
? đại đội hay tiểu đoàn ?
# Tại sao lại gọi là Đa Năng ?
Ban tham mưu
sư đoàn đã được Tướng Lưỡng ra lệnh cứ giải thích cho họ biết. Chính phủ và quân
đội không mất đồng xu nào để có được các đơn vị này, kể cả trang bị. Tất cả đều
nằm trong phương trình như x=a+b+c. Và chúng tôi có 12 đại đội đa năng trong Sư
Đoàn Nhảy Dù. Nếu gọi các đơn vị này là “d” thì a+b+c+d cũng vẫn bằng x
thôi.
Và cuối năm 1973, Sư Ðoàn Nhảy Dù đã có trong tay 12 đại đội đa
năng dùng làm trừ bị. Lúc cần thành lập tiểu đoàn, lực lượng này sẽ là 3 tiểu
đoàn hay một lữ đoàn trừ bị. Với lực lượng đa năng này, vùng đóng quân của bộ
chỉ huy và bản doanh sư đoàn có thêm sự an toàn, có thể dẹp yên mọi quấy rối của
địch, kể cả du kích ở hậu tuyến.
Tình hình tổng quát vào thời điểm giữa
năm 1974: tình hình Bắc Hải Vân tương đối yên tỉnh, trong khi vùng Nam Hải Vân
rất sôi động và nguy ngập. Thượng tuần tháng 7/1974, Sư Ðoàn Nhảy Dù nhận được
lệnh khẩn cấp từ Quân Đoàn 1 là đưa ngay lực lượng Nhảy Dù vào Quảng Đà, chỉ để
lại một lữ đoàn ở Bắc Hải Vân cho dân chúng khỏi hoang mang rúng
động.
Tướng Lưỡng lệnh cho Sư Đoàn Nhảy Dù gồm Lữ Ðoàn 1 và 3 vào Đà
Nẵng. Trước khi đi ông nói với ban tham mưu: “Mình sẽ vào Đại Lộc. Lấy được quận
Thường Đức địch sẽ đánh thẳng vào Đà Nẵng!”
Chỉ tay vào bản đồ tướng
Lưỡng nói tiếp:
- Sau khi các bộ phận của mình đã vào tuyến xuất phát. Ta
sẽ cho nỗ lực chính tiến theo đường đỉnh dãy núi Sơn Gà rồi trực chỉ Thường Đức.
Nỗ lực chính sẽ là Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù. Trong khi đó Lữ đoàn 3 lục soát xung quanh
thung lũng Đại Lộc, và làm thành phần trừ bị sẵn sàng tiếp ứng cho Lữ Ðoàn
1.
Tình hình quân Bắc Việt lúc bấy giờ là Sư Ðoàn 324 đang chiếm đánh
Thường Đức. Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù và một tiểu đoàn Đa Năng ở lại trấn giữ phía Bắc
đèo Hải Vân. Trên phương diện tình báo, khi các cánh quân Nhảy Dù tới tuyến xuất
phát, kiểm thính qua giàn máy vô tuyến điện báo của sư đoàn. Bất ngờ vào đúng
tần số liên lạc của đối phương và nghe báo cáo với nhau như sau:
“Ngụy Dù
đang ở tây Đại Lộc. Tiểu Ðoàn 1 tại xã…, Tiểu Ðoàn 9 đang di chuyển từ A tới C.
Tiểu Ðoàn 8 đang ở làng…”
Báo cáo của địch rất chính xác về vị trí của
các đơn vị Nhảy Dù. Đại Úy Phước, sĩ quan truyền tin sư đoàn, ngoài đặc tính
siêng năng, cần mẫn, và cẩn thận, anh còn rất thích thú dò tìm tần số liên lạc
của địch. Khi những báo cáo của họ ngưng, anh lại rà máy tìm ra địch ở tần số
khác và tiếp tục nghe được các báo cáo của đối phương về Nhảy Dù.
Biết
được như vậy, tướng Lưỡng sửa đổi kế hoạch. Ông cho lệnh Lữ Ðoàn 1 cứ để các
tiểu đoàn chính ở chỗ mà địch đã biết, ông tung các đại đội 19, 21, 27 bất ngờ
tấn chiếm các cao điểm; di chuyển về trái, tiến sâu về phải. Cứ hoán chuyển vị
trí liên tục cho đến khi tới sát được Thường Đức. Và các báo cáo của địch sau
này cho thấy có sự bỡ ngỡ, hoang mang. Nghe địch hỏi nhau là các đơn vị của Nhảy
Dù hay của các đơn vị khác tới tăng cường?
Hết lệnh cho các Đại Đội 19,
21, 27 lại đến lệnh cho 1, 2, 3… tung quân đột kích nhiều hướng. Thế là địch
không còn báo cáo chính xác vì sự biến hóa linh động của các đơn vị
này.
Trận đánh đẫm máu lớn nhất giữa ta và địch kể từ khi có Hiệp Định
ngưng bắn 27 tháng 1/1973, khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và các đơn vị tăng cường xuất
trận vào thay thế Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 3 BB.
Ngay khi đoàn xe chở
quân vừa tới làng Hà Nha 1 ở dưới chân núi cách Thường Đức 10 cây số về hướng
Đông, Bắc Việt đã pháo kích bằng nhiều loạt đạn khác nhau. Một số dân chúng chạy
theo lính Địa Phương Quân, thấy Nhảy Dù đến liền ngừng lại. Một niềm tin mãnh
liệt chợt bừng lên đối với những người dân khốn khổ sống trong vùng rừng núi
hoang vu này. Đi đâu thì cũng “đất cày lên sỏi đá.” Họ chỉ có một hy vọng nhỏ
nhoi là trở lại sinh sống trong những căn nhà tranh với những luống ngô khoai
bên triền núi cao, mà họ đã đổ mồ hôi canh tác trong nhiều tháng qua.
Tấm
hình cũ chụp tại Thường Đức lúc nơi này còn là trại A-109 của lực lượng đặc biệt
Hoa Kỳ. (HÌNH ẢNH: Ron Huegel)
Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Khóa 15 Ðà Lạt
(lúc đó là lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù) một sĩ quan trẻ tuổi tài ba. Ông
từng lập nhiều chiến tích trong sư đoàn Nhảy Dù, trận Đại Bàng 800, trận Mậu
Thân, trận Hạ Lào, hành quân tái chiếm Quảng trị. Nhất là trận An Lộc ở tỉnh
Bình Long, ông đã chỉ huy Tiểu Ðoàn 6 đổ bộ trực thăng vào Đồi Gió, sau đó đã mở
đường máu từ Tân Khai, Xa Trạch, lên Xa Cam bắt tay với Tiểu Đoàn 8 trong thị xã
An Lộc.
Trong Giai Đoạn 1, Trung Tá Đỉnh ra lệnh Tiểu Đoàn dọc theo Tỉnh
Lộ 4 chiếm làng Hà Nha và bảo vệ cánh trái. Đại Ðội 83 của Đại Úy Hiệu được lệnh
đánh chiếm hai làng Hà Nha 1 và Hà Nha 2 để giải tỏa đồn Địa Phương Quân, cứ
điểm cuối cùng của lực lượng phòng thủ trong quận Đại Lộc này. Khi vừa gần tới
bờ làng, họ gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Thấy đơn vị vừa mới xuống xe, binh
sĩ chưa ăn uống, bên kia sông Việt Cộng lại đặt đại bác không-giật bắn vào, Ðại
Úy Hiệu đề nghị rút lui để cho Pháo Binh dập, nhưng Thiếu Tá Vân (tiểu đoàn
trưởng của Tiểu Ðoàn 8) sợ dân làng bị liên lụy nên thúc Hiệu cứ tấn công
vào.
Chấp hành lệnh, Hiệu dàn cả hai trung đội xung phong thần tốc, địch
hốt hoảng bỏ chạy. Ta chiếm được làng Hà Nha với một giá rất đắt: hai trung đội
trưởng tài giỏi nhất của Hiệu là Thiếu Úy Tiến và Thiếu Úy Thành bị hy sinh. Đại
Úy Hiệu hoàn thành nhiệm vụ nhưng lòng rất xót xa.
Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù
chiếm đỉnh cao Đông Lâm trên dãy Sơn Gà bảo vệ sườn phải. Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù đi
trục chính đánh chiếm đám rừng tràm, hướng về mục tiêu là Ðồi 1062.
Giai
đoạn 2, Tiểu Đoàn 8 làm nỗ lực chính, chia quân hai cánh, cánh phải do Thiếu Tá
Trần Toán chỉ huy tiến về hướng điểm C thay thế Tiểu Ðoàn 1 trên đỉnh Sơn Gà,
mục tiêu là đồi 1062.
Thiếu Tá Vân cho lệnh Đại đội 81 của Đại Úy Võ Thế
Hùng đi đầu. Bọc hậu có Đại Ðội 82 của Trung Úy Hùng “ốm.” Tiểu đoàn trừ do
Thiếu Tá Trần Toán chỉ huy, anh cho Đại Ðội 83 của Đại Úy Phạm Văn Hiệu đi chính
diện, và Đại Úy Đồng Văn Minh dẫn đại đội 84 đi sườn phải, tiến lên hướng
1062.
Thành phần nỗ lực chính của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù bắt đầu xung trận,
khi các đơn vị vừa vượt tuyến xuất phát khoảng 1 cây số, thì chạm địch mạnh với
quân số áp đảo, họ phải dành giựt từ ngôi nhà, từng gốc cây trên con đường độc
đạo dẫn vào quận Thường Đức.
Đoạn đường dài hơn 5 cây số, bên trái là
sông Vu Gia, bên phải là những triền núi thuộc dãy Sơn Gà. Chiến xa và pháo binh
Cộng Sản bố trí bên kia sông có lẽ để giữ Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Chủ lực quân của
địch tập trung trên các đỉnh cao phía sau quận Thường Đức. Họ đang chiếm giữ các
đỉnh 1062, điểm cao 1235, 383, 293, 126, và đóng chốt dọc theo các sườn
núi.
Đoạn đường 5 cây số vô cùng gian nan hiểm trở, với nhiều bẫy và pháo
tập gài sẵn của địch. Đây quả thật là một thử thách, đo lường sự can đảm, kinh
nghiệm và kỹ thuật chiến đấu của các chiến sĩ Dù trước khi họ thực sự tham dự
một trận đánh để đời quanh ngọn
đồi đẫm máu 1062.
Giai đoạn đầu, đội
hình tấn công của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù như sau:
# Tiểu Đoàn 9 giữ trục chính ở
giữa
# Tiểu Ðoàn 8 đi cánh trái, dọc theo trục lộ sát bờ sông Vu Gia, tiến
chiếm
làng Hà Nha 1 và Hà Nha 2 ở phía Đông đồn Địa Phương Quân cũ (trên cao
điểm 52)
# Tiểu Ðoàn 1 đi cánh phải, tiến chiếm cao điểm Đông Lâm, rồi theo
đường đỉnh dãy Sơn Gà tiến hướng Tây tới 1062.
# Tiểu Ðoàn 9 giữ trục chính,
đi dọc theo cánh đồng rộng phía Bắc sông Vu Gia, chiếm lĩnh dãy đồi thấp có rừng
chồi che phủ.
Từ dãy đồi thấp phía Nam dãy Sơn Gà, Trung Úy Nhơn (đại đội
trưởng Ðại Ðội 92), Trung Úy Thăng (đại đội trưởng Ðại Ðội 94), Đại Úy Trọng
(đại đội trưởng Ðại Ðội 91), cùng Đại Đội 93 của Đại Úy Tửu muốn đến đồi 383 để
tiến sát tới đỉnh 1062, họ còn phải băng qua một cánh rừng tràm nữa.
Các
chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 9 không sao qua đến được bìa rừng dưới chân núi Đông Lâm,
vì hỏa lực từ cứ điểm B trên sườn núi chế ngự. Cứ điểm này vô cùng kiên cố, vừa
ở cao, vừa được che chở bởi các tảng đá lớn chồng lên nhau. Tiểu Ðoàn 9 đã dùng
rất nhiều phi pháo nhưng vẫn không tiêu diệt được. Đại Úy Tửu bị thương chân nên
Đại Úy Tường từ Ðại Ðội 90 ra thay thế.
Tiểu Ðoàn 1 do Thiếu Tá Ngô Tùng
Châu chỉ huy, từ Hội An được lệnh di chuyển đến bàn giao với Sư Đoàn 3 BB tại
một đồi thấp ở phía nam Đông Lâm khoảng 3 cây số. Họ đi cánh phải của lữ đoàn,
mục tiêu đầu là đỉnh Đông Lâm. Đây là một đồn bót cũ, địa thế xung quanh trống
trải, dọc dài xuống tận chân núi. Các đại đội tiến quân dưới cơn mưa pháo của
quân Bắc Việt, họ phải xung phong thần tốc bám sát và đánh cận chiến để địch
không sử dụng được các bãi pháo mà họ đã chuẩn bị sẵn.
Thiếu Tá Quý (tiểu
đoàn phó) chỉ huy 2 đại đội thanh toán các tổ cảm tử quân Việt Cộng đang đóng
chốt trên những điểm cao, những hốc đá cheo leo dọc theo dãy Sơn Gà. Một trở lực
lớn là quá nhiều mìn bẫy (thuộc loại “mìn hơi” làm bằng nhựa nhỏ cỡ hộp thịt ba
lát). Loại mìn này có thể hủy diệt 2 chân nếu dẫm phải. Tại đây Ðại Ðội 11 bị
tổn thất 2 chiến sĩ vì mìn hơi này.
Lữ Đoàn phải tăng phái toán rà mìn
của Đại Đội 1 Công Binh Dù để mở đường. Mục tiêu Đông Lâm được chiếm lĩnh dễ
dàng vì không có lực lượng phòng ngự của địch. Tuy nhiên các chiến sĩ Nhảy Dù
hoàn toàn thụ động trước những tấn công lẻ tẻ bằng súng đại bác không giật từ
những đỉnh đá.
Một điều quan trọng là tiền quân của Tiểu Đoàn 1 của Đại
Úy Trần Văn Thể đã tìm được toán tiền sát viên pháo binh của địch gồm 2 người đã
chết (cụt chân do mìn hơi) và một người còn sống với đầy đủ máy truyền tin, bản
đồ, và địa bàn. Từ đó vị trí các lực lượng bạn không còn bị pháo kích chính xác
nữa.
Đáng lý theo dự tính, Đông Lâm là điểm hẹn giữa Ðại Ðội 11 của Ðại
Úy Thể và Ðại Ðội 14 của Trung Úy Vệ đi với Thiếu Tá Quý. Nhưng vì không chạm
địch nên hai đại đội này trực chỉ tới mục tiêu B.
Từ đỉnh Đông Lâm, Tiểu
Ðoàn 1 (lợi thế hơn 2 cánh quân bạn) tiến quân trên đường đỉnh dãy Sơn Gà. Ðịa
thế đủ rộng cho hai đại đội đi đầu, và tốc độ tiến quân cũng nhanh hơn. Do đó
Tiểu Ðoàn 1 từ cao điểm đã bảo vệ hữu hiệu sườn phải cho lữ đoàn. Quả thật vậy,
qua sự phối hợp hàng ngang với Tiểu Ðoàn 9, Tiểu Ðoàn 1 đã cho cho lệnh Đại Ðội
11 “đạp” xuống cứ điểm B, nơi địch đang cầm chân tiền quân của Tiểu Ðoàn
9.
Xuyên qua thung lũng, Ðại Úy Thể dẫn quân đến B một cách bất ngờ, và ở
ngay sau lưng địch. Đối diện với Bắc Việt là Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù đang bị cầm
chân ở tại dốc đá. Nhờ lợi thế cao, Đại Ðội 11 để lại một trung đội ở B để đóng
chốt và giữ ba lô cho các trung đội khác. Thành phần còn lại tập trung hỏa lực,
xung phong đánh thần tốc và tràn ngập cứ điểm B1.
Quân Bắc Việt xả chốt
chạy. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, Ðại Ðội 11 đã kiểm soát hoàn toàn các đỉnh
đá ở phía Nam của B. Chốt B1 được giải tỏa dễ dàng với chiến lợi phẩm là 1 súng
cối 61 ly, 1 thượng liên, 7 súng AK, 4 khẩu B-40, 1 điện thoại, một số đạn 72 ly
nhưng không tìm được súng. Sau này Tiểu Ðoàn 11 của Trung Tá Lê Văn Mễ dùng nơi
đây làm chỗ đóng quân tạm thời cho Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn.
Trời đà chạng
vạng tối, chờ bắt tay mãi với Tiểu Ðoàn 9 không được, Ðại Ðội 11 phải tạm đóng
quân đêm tại B và B1. Một biến cố xảy ra đêm đó, đặc công địch bò trở lại đột
kích B1 bằng B-40 rồi bỏ chạy. Chuẩn Úy Tuyến hy sinh đêm đó. Sáng hôm sau, địch
pháo kích mạnh mẽ bằng đạn 122-ly vào B và B1 nhưng không chính xác nên không bị
tổn thất. Khoảng 11 giờ trưa, Thiếu Tá Quý và Ðại Ðội 14 bắt tay với Ðại Ðội,
đồng thời Tiểu Ðoàn 9 cũng xuất hiện và đóng chốt tại B2.
Có lẽ cứ điểm C
mới thật là một tiền đồn mạnh mẽ của quân Bắc Việt. Ðại Ðội 14 đi đầu và chạm
địch trước khi tới C. Thiếu Tá Nguyễn Văn Quý đi với cánh quân bọc hậu là Ðại
Ðội 11 của Đại Úy Thể. Một phần vì địa thế hiểm trở, thêm vào đó yếu tố bất ngờ
không còn nữa. Địch đã chuẩn bị sẵn sàng với hầm hố kiên cố để đón Ðại Ðội 14.
Công sự phòng thủ của địch thật vô cùng kiên cố, lại thêm rừng cây cổ thụ cao
lớn. Ta sử dụng pháo binh rất khó vì sợ đạn chạm ngọn cây nổ từ cao gây thương
tích cho quân bạn.
Suốt 3 ngày cầm cự, Ðại Ðội 14 không thể tiến lên được
đành phải án binh tại chỗ. Thiếu Tá Quý đẩy Ðại Ðội 11 thọc sâu về phía tây rồi
từ đó tiến đánh C bằng hướng Nam. Quân Bắc Việt trên cao, quân ta dưới thấp,
nhưng nhờ hốc đá nên Ðại Ðội 11 bám sát tiến lần vào cách C khoảng 200 thước, và
phải dừng lại vì sợ lọt vào tầm lựu đạn.
Nhờ địch tưởng ta tấn công mặt
nam, nên Tiểu Ðoàn 1 sử dụng đại bác 57-ly và súng cối 81-ly để có thể bắn chính
xác vào mục tiêu. Thiếu Tá Quý cho tập trung 5 khẩu đại liên M-60, chờ bắn hơi
cay cho địch chạy ra khỏi hầm trú ẩn, thì tập trung hỏa lực mạnh mẽ bắn phủ đầu
địch.
Ðại Ðội 14 bất thần xuyên nhanh qua yên ngựa để chiếm C, từng tổ 3
người bò dưới hỏa lực tiến vào mục tiêu dùng lựu đạn ném vào phòng tuyến địch,
rồi lập tức xung phong chiếm hầm hố địch làm đầu cầu. Kế đó họ bung rộng ra đánh
chiếm từng hầm một. Thừa thắng Thiếu Tá Quý đẩy Ðại Ðội 14 qua thẳng 1062, nhưng
mọi dự tính không xảy ra như mong muốn, và cũng từ đó Ðại Ðội 11 và Ðại Ðội 14
phải trả giá rất đắt cho đỉnh 1062.
Sau khi địch tháo chạy vì sự tấn công
quá dũng mãnh của các chiến sĩ thiện chiến Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, hai Ðại Ðội 11
và 14 chia nhau bố trí lập vị trí phòng thủ sơ khởi để ngăn ngừa địch phản công.
Một trận mưa cối sơn pháo 120 ly của Bắc quân bủa xuống, tiếng nổ vang khắp rừng
già, khói phủ mù mịt trận địa. Nhờ bung rộng và hầm hố kiên cố của địch để lại,
nên binh sĩ ta tránh được thiệt hại nặng nề bởi trận mưa pháo tập trung và chính
xác này.
Càng tiến gần về 1062, địa thế càng hiểm trở: rừng rậm hơn, cây
to nhiều hơn, sườn càng dốc đứng hơn. Từ cứ điểm C nhìn lên mục tiêu, ở cao hơn
2 vòng cao độ (theo bản đồ quân sự tương đương 20 thước). Cách xa chừng 150
thước, ta thấy rõ địch đang lố nhố chạy tới chạy lui tăng cường phòng thủ. Thiếu
Tá Quý gọi xin pháo binh bắn “cắm chỉ” lên mục tiêu đó ngày và đêm.
Đây
được gọi là mục tiêu D, một trong 5 đỉnh của 1062. Giữa C và D là một thung lũng
(eo yên ngựa) sâu khoảng hơn 20 thước. Như vậy quân ta nếu tấn công mục tiêu D,
ít nhất phải vượt lên một dốc đứng cao tới hơn 40 thước. Từ D, địch thỉnh thoảng
bắn trực xạ bằng đại bác và thượng liên xuống mục tiêu C, nhưng không gây thiệt
hại đáng kể nào cho quân bạn.
Tình thế hiện tại thật bất lợi. Lúc đó Tiểu
Ðoàn 8 và 9 còn cách quá xa 1062, chỉ có Tiểu Ðoàn 1 là gần và đang ở cao địa,
không ai bảo vệ cạnh sườn để tiếp ứng kịp thời. Địa thế địch hiểm trở dễ thủ khó
công. Địch chuẩn bị chiến trường đợi ta với những trận địa pháo và hầm hố kiên
cố.
Lúc bấy giờ ta chưa biết là có 5 đỉnh nhỏ trên 1062, vì bản đồ chỉ có
một dấu chữ thập bên cạnh số 1062. Năm đỉnh nhỏ này nằm theo thế liên hoàn, yểm
trợ cho nhau bằng hỏa lực dễ dàng. Diện tích rộng khoảng 2 đại đội mới bao phủ
nổi.
Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù quyết định đột kích đêm và lợi dụng gió Đông làm
một trận hỏa công. Lực lượng cảm tử gồm 2 trung đội với Thiếu Úy Lê Văn Bá chỉ
huy một trung đội thuộc Ðại Ðội 14 và Thiếu Úy Trần Thanh Quang chỉ huy một
trung đội của Ðại Ðội 11. Đây là 2 sĩ quan xuất sắc đã từng lập nhiều thành tích
chiến thắng cho tiểu đoàn. Ðại Ðội 11 (thiếu quân số) làm thành phần trừ bị sẵn
sàng tiếp ứng kịp thời cho lực lượng tấn công. Tần số liên lạc thuộc nội bộ của
Ðại Ðội 11 do Thiếu Tá Quý trực tiếp chỉ huy. Hỏa lực yểm trợ gồm súng cối 60 ly
và 81 ly đã được chuẩn bị yếu tố tác xạ sẵn sàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét