Trận Kampong Trach 1972: Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân Có Bị Nhụt Chí Và Tiểu Đoàn 94 Biệt Động Quân Có Bị Bỏ Rơi Không? (#02)
...
...
Người viết hỏi câu hỏi trên vì lý do trong bài “Kampong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ” người anh em KB Điền Đông Phương tin rằng Thiết đoàn 12 KB và Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân hành quân từ Hà Tiên tiến qua Kampong Trach là nhằm để giải vây cho lực lượng Biệt Động Quân và Thiết Giáp đang đóng quân tại Kampong Trach. Thật sự thì tình hình lúc đó đã thay đổi, Công trường 1 đã “nản” Kampong Trach, họ đã cho Trung đoàn 101D đi bọc xuống hướng Nam chuẩn bị vượt biên giới đánh vào khu Xi Măng Hà Tiên, phần lớn các đơn vị khác của họ cũng bọc vòng xuống phía Nam chuẩn bị chận đường rút quân của hai Thiết đoàn 12 – 16 và Liên đoàn 42 Biệt Động Quân nhằm phá hoại ý định điều động quân của Trung tướng Ngô Quang Trưởng cho trận đánh sắp tới ở bên biên giới Việt Nam. Vì tầm mức quan trọng như vậy, (chớ không phải Tướng Trưởng lo ngại địch sắp dứt điểm lực lượng trấn đóng Kampong Trach), Tướng Trưởng đã đích thân đáp xuống Tô Châu, có mặt vào lúc xuất quân để tácđộng tinh thần và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thiết đoàn 2 Kỵ Binh và Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân hành quân mở đường, sau đó bọc sườn cho lực lượng trấn đóng Kampong Trach rút về đúng thời gian kịp cho Liên đoàn 42 Biệt Động Quân của Trung tá Trần Kim Đại đánh dứt điểm trận Xi Măng Hà Tiên cũng như Đại tá Phạm Duy Tất sẽ mang Tiểu đoàn 86 Biệt Động Quân của Thiếu tá Tạ Thành Lộc đánh vào Núi Cọp, phía Đông Bắc hãng xi măng Hà Tiên, nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Hai trận này xảy ra đúng theo dự tính của Tướng Trưởng, đã xóa sạch giấc mộng của Sư đoàn 1 Việt Cộng muốn “quậy tung”vùng IV trước trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” miền Trung. Tướng Trưởng biết chắc sẽ đụngđịch rất nặng trên đoạn đường 14 cây số từ Hà Tiên đến Kampong Trach nên đã chọn Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân thiện chiến làm đơn vị tùng thiết cho Thiếtđoàn 2 Kỵ Binh. Đúng như lời người anh em KB Điền Đông Phương viết (nguyên văn) : “Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu nhập trận, đoàn quân đi như gió bão, chiếm từng cụm vườn, từng khu xóm… hướng về Kampong Trach. Đến trưa thì chạm súng, phải đến chiều hôm đó mới thanh toán xong những ổ kháng cự. Rồi hai ngày sau đó, chúng tôi bị cầm chân ở khu vực gần ngôi chùa nằm cách Kampong Trach khoảng 5 cây số, vì cộng quân gài chốt ở khắp nơi. Đến ngày thứ 6 thì chúng tôi bám sát được ngôi chùa”. Có nghĩa là 6 ngày hành quân mở được khoảng 9 cây số đường, chưa kể có lần bị dội ngược về biên giới, những sự kiện này tự thân đã giải quyết được nổi thắc mắc của chính KB Điền Đông Phương (nguyên văn) : “Kampong-Trach: một địa-danh xa lạ, một nơi chốn xa tít mù khơi. Một địa-danh ít người biết đến. Một nơi đã gây phiền-não, bối-rối cho Danh-Tướng Ngô Quang Trưởng. Nơi đó Lữ-Đoàn 4 Kỵ-Binh gồm 2 Thiết-Đoàn 12 và 16 Kỵ-binh được chỉ-huy bởi Đại-Tá Nguyễn Văn Của và Liên-Đoàn 7 Biệt-Động-Quân doĐại-Tá Phạm Duy Tất chỉ-huy bị vây hãm cả tháng trời”.
Vì không có thắc mắc như KB Điền Đông Phương nên Bộ Tư lệnh tiền phương Biệt Khu 44 và các BộChỉ huy Biệt Động Quân ở Thất Sơn đã cùng Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng chuẩn bị trước một số tân binh vừa mãn khóa huấn luyện sẵnsàng tung vào bổ sung kịp thời bù đắp cho sự thiệt hại nhân mạng (đã dự đoán trước) của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân. Công việc chuẩn bị này thật là hữu ích.
Nhưng, dù có hiểu sao đi nữa, giải vây hay mở đường, chiến công của Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh cùng Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân rất – rất – rất đáng được ca tụng là thần kỳ,khi Thiết Giáp bắt tay được với Thiết Giáp, Biệt Động Quân bắt tay được với Biệt Động Quân, tại Kampong Trach.
Nhưng, cũng lại là nhưng, chuyện đời thì không có chi toàn vẹn, thần kỳ ấy đã bị người anh em KB Điền Đông Phương làm mẻ đi bớt tính thần kỳ, vì người anh em còn có viết thêm một đoạn (nguyên văn) : “Qua ngày hôm sau, tiếp tục chạm súng. Anh em Biệt Động Quân có vẻ nhụt chí, khiến cho Nghê Thành Thân tức giận nhảy xuống khỏi xe, rồi cùng với một đại đội trưởng của họ là trung úy Gia xông thẳng vào phòng tuyến địch để họ phải tiến lên theo”.
Việc Thiếu tá KB Nguyễn Văn Răng viết trong bài “Trận Chiến Kampong Trạch” buồn phiền chuyện Thiết đoàn 9 Kỵ Binh vừa đến Kampong Trach bị đưa vào đóng trong một vườn tiêu rồi bị thiệt hại nặng thì chính tác giả Nguyễn Văn Răng đã viết là lệnh trực tiếp từ Đại tá Của, Tư lệnh phó Lữ đoàn 4, nên người viết bài này không dám có ý kiến. Nhưng còn chuyện KB Điền Đông Phương phê bình tinh thần chiến đấu của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân thì dám xin góp ý với người anh em rằng, Tiểu đoàn 58 ấy chính là Tiểu đoàn 41 (Cọp Ba Đầu Rằn) thuộc Liên đoàn 4 Biệt Động Quân, một tiểu đoàn đánh giặc rất cừ khôi nổi tiếng khắp vùng IV với những vị chỉ huy đã đánh thì nhất định đánh tới nơi tới chốn nên cũng là tiểu đoàn có con số Tiểu đoàn trưởng tử trận nhiều nhất, đến nỗi Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Sài Gòn phải quyếtđịnh cải danh lại, hy vọng các Tiểu đoàn trưởng ... thôi chết giùm. Đại úy Măng, Tiểu đoàn trưởng 58 mà người anh em KB Điền Đông Phương kể là bạn cũ của mình, tham dự trận này, cũng là một trong những Tiểu đoàn trưởng hạng nhất mà Tiểu đoàn từng có (ông Măng sau này thăng cấp Thiếu tá rồi Trung tá). Và rất mong Trung úy Gia (hoặc đã thăng Đại úy, Thiết tá), Trung tá Măng của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân, nếu tình cờ đọc được bài của KB Điền Đông Phương hay bài viết này, xin vui lòng kể lại cuộc hành quân tùng thiết mở đường của quý vị.
Điểm cuối cùng người viết phải nêu ra là hai đoạn viết sau đây của KB Điền Đông Phương (nguyên văn) :
- Bây giờ tại Kampong Trach chỉ còn Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh chúng tôi và Tiểu Đoàn 58 BDQ nằm lại. Mặc dù bị tổn thất nhưng tinh thần anh em Kỵ Binh vẫn vững vàng. Tuy nhiên khi Liên Đoàn 7 BDQ rút đi , Đại Tá Phạm Duy Tất, Liên Đoàn Trưởng,đã bỏ rơi Tiểu Đoàn 94 BDQ. Tiểu Đoàn BDQ nầy nằm giữ phía Bắc Kampong Trach không hề hay biết về cuộc triệt thoái. Khi LĐ7BDQ đã an toàn về đến VN thì TiểuĐoàn 94 bị quân CSBV xâm lược cường tập dứt điểm.
- Trong niềm vui chiến thắng anh em Kỵ Binh chúng tôi ai cũng nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh những chiến hữu BĐQ đã từng kề vài sát cánh chiến đấu chung một chiến hào trên khắp mặt trận Quân Khu IV chết tức tửi, chết nghẹn ngào và chết vô lý. Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất , Ông nghĩ gì về`Mặt trận Kampong Trach? Dẫu biết rằng “Nhất Tướng công thành vạn cốt khô”nhưng sao nghe nghẹn ngào và cay đắng quá.
“Bỏ rơi” Tiểuđoàn 94 Biệt Động Quân? Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân “không hề hay biết” về cuộc triệt thoái? Người viết không gọi hỏi Chuẩn tướng Phạm Duy Tất mà hỏi Đại Tá Trần Kim Đại, là Liên đoàn trưởng chỉ huy ba Tiểu đoàn 66 – 93 – 94 Biệt Động Quân tham dự trận Kampong Trach. Ông Đại lập tức phản đối cái vụ gọi là“bỏ rơi” này, ông cho biết lệnh rút quân đó là một lệnh tức thì, nghĩa là sau khi lệnh ban ra thì rút liền để giữ sự bất ngờ đối với địch. Ông Đại xác nhận, lệnh từ ông Tất ban ra, ông Đại nhận và chuyển cùng một thời gian cho ba tiểu đoàn dưới quyền, cũng như ông Của đã nhận và chuyển cho các đơn vị Thiết Giáp cùng một lúc. Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân đóng quân xa nhất về hướng Bắc Kampong Trach, theo lời ông Đại kể là đóng trên núi đá vôi, nên họ là đơn vị đàng sau cùng cuộc rút quân. Trước khi rời trại lên Thiết giáp rút đi, Trung tá Đại gặp Đại úy Liêm Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 94 ở phía sau cổng trại, tức cách ngã ba phía Nam thị trấn Kampong Trach chừng 500 thước. Sau đó trên đường rút quân ông Liêm trúng pháo bị thương nặng, không muốn binh sĩ bận bịu vì ông mà mang họa, Đại úy Liêm đuổi lính đi rồi rút chốt lựu đạn tự sát; Trung sĩ I Vinh gốc Lực Lượng Đặc Biệt, người anh em thân thiết của người viết lúc làm việc chung trong Ban 3 Liên đoàn 42 cũng chết gần đó, theo lời kể của những binh sĩ 94 BĐQ về từ Kampong Trach mà người viết đã gặp lại tại căn cứ Thất Sơn.
Theo BĐQ Đỗ Như Quyên, “trên” đã nhất định đòi Công trường 1 phải chiếm cho bằng được Hà Tiên làm hải cảng để được hưởng điều khoản “quân ai đang có mặt ở đâu thì coi như là đất của phe đó” của Hiệp định không hòa bình Paris 1973. Tầm quan trọng của trận Kampong Trach là vậy, là tất cả các lực lượng Việt Cộng Hòa tham dự trận Kampong Trach đã không cho phép Việt Cộng Sản có được một hải cảng trong vùng IV.
Ngày 15/4/1972 Trung đoàn 101D thuộc Công trường 1 được tăng phái thêm Trung đoàn 52D Chủ lực miền đánh chiếm nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nằm cách Thị xã Hà Tiên 7 cây số vềhướng Đông Nam. Trung tá Trần Kim Đại cho các tiểu đoàn vừa từ Kampong Trach vềtái nhập trận với sự yễm trợ của các đơn vị Thiết vận xa M113. Đại tá Phạm Duy Tất bốc thêm Tiểu đoàn 86 của Thiếu tá Tạ Thành Lộc từ bên Mộc Hóa qua trực thăng vận thẳng xuống Núi Cọp, với lối thả quân sát vào sào huyệt địch, xuống là đụng liền, trận này được Tiểu đoàn 86 Biệt Động Quân giải quyết vô cùng nhanh chóng (người viết có mặt tại chỗ). Việt Cộng Hòa dứt điểm hai trận này vào ngày 29/4. Các đơn vị còn lại của Công trường 1 tất tả băng ngược qua biên giới rút lui về Takeo, bên Miên.
Không thể có“hải cảng Hà Tiên” ở vùng IV, “trên” lại ra lệnh Tướng Chu Huy Mân đưa Sư đoàn 3 Sao Vàng đánh lấy Sa Huỳnh làm “hải cảng” ở vùng I cho kịp Hiệp định không hòa bình Paris (28/1/1973). Nhưng đã có cuộc “tái ngộ lý thú” xảy ra : Lúc này có ba nhân vật liên quan tới trận Kampong Trach – Hà Tiên ở vùng IV lại đang có mặt tại vùng I, Trung trướng Ngô Quang Trưởng đã trở thành Tư lệnh Quân Khu I,Đại tá Trần Kim Đại đang nắm Liên đoàn 1 Biệt Động Quân và Đại tá Vũ Quốc Gia nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 4 Thiết Kỵ đang là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ . Ở cuộc “tái ngộ kỳ thú” này, Tướng Trưởng ra lệnh Đại tá Đại đưa Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân gồm ba Tiểu đoàn 21 – 37 – 39 vào Sa Huỳnh tăng phái cho Sư đoàn 2 Bộ Binh và đã đánh bật Sư đoàn 3 Sao Vàng ra khỏi “hải cảng trong mộng của Việt Cộng Sản” trước khi cái Hiệp Định thổ tả kia có hiệu lực. Ba phần tư chiến lợi phẩm vũ khí nặng lấy được trong trận này là do Liên đoàn 1 Biệt động quân.
Liên đoàn 42 Biệt Động Quân của Trung tá Trần Kim Đại được tăng phái một Chi đoàn Thiết Giáp mở màn trận Kampong Trach ở phía Bắc của nó. Cuối cùng cũng chính lực lượng của ông Đại đã dứt điểm nó bằng trận đánh tại vùng Xi Măng Hà Tiên, khá xa nó vềhướng Nam. Nhiệm vụ của CHÚNG TA đã hoàn tất tốt đẹp!
Quân Biệt Động cùng Thiết Giáp dưới quyền chỉ huy của Đại tá Phạm Duy Tất cũng vậy, đã chậnđứng mưu xâm nhập vào Quân Khu IV của Công trường 1 Việt Cộng (được tăng phái thêm một trung đoàn của Công trường 9) tại Kampong Trach. Nhờ vậy Trung tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những giữ được tình hình vùng IV yên ổn mà còn có thể thoải mái gởi quân tiếp viện cho trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” miền Trung sau đó. Chiến thắng Kampong Trach là chiến thắng của CHÚNG TA!
Chứng kiến đồng đội ngã xuống, đó bao giờ cũng là những cái chết tức tửi, vô lý, đối với những người may mắn còn ở lại, khiến người ở lại nghẹn ngào. Nhưng chiến binh thứ thiệt thì không cần thiết trút nỗi nghẹn ngào của mình lên đầu những đơn vị bạn khác binh chủng, cũng như không cần thiết tạo thành nỗi vinh quang cho mình cùng cách na ná như vậy. Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh, nhưng nếu quên nằm lòng hai chữ CHÚNG TA thì sẽ dính cái sau hơn là cái trước cũng là chuyện thường tình.
Cuối cùng,đừng quên toàn thể các chiến binh thuộc tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong đó có anh, có tôi, có bạn bè anh, có bạn bè tôi, cùng bại trận vào tháng Tư năm 1975; và CHÚNG TA cùng đã nghẹn ngào!
Little Saigon, tháng Mười Hai 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét