23 tháng 6, 2012

Viện Trợ Quân Sự Cho Việt Nam Trong Chiến Tranh / Tác giả: Trọng Đạt


Cuộc chiến tranh Ðông Dương cũng như Việt Nam đã được quốc tế hoá từ những năm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 cho tới ngày kết thúc cuối tháng tư năm1975....Sau khi Mao nhuộm đỏ nước Tầu tháng 10 năm 1949, Trung Cộng bắt đầu viện trợ ồ ạt vũ khí đạn dược cho Việt Minh và thành lập những trại huấn luyện quân sự tại biên giới Việt-Hoa. Cuối tháng 10 năm 1950 Mỹ vội viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, 40 máy bay khu trục. Cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp do Mỹ và Trung Cộng đứng sau lưng kết thúc tháng 7 năm 1954.

Năm 1955 Mỹ hất cẳng Pháp và trực tiếp yểm trợ cho miền Nam Việt Nam, từ 1955 đến 1975 cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc thuộc giai đoạn hai tàn khốc hơn trước rất nhiều. Khác với các nước Mỹ, Anh, Nga, Ðức, Nhật… thời Thế chiến thứ hai đã tự sản xuất được vũ khí, hai miền Nam- Bắc Việt Nam và các phe đối nghịch tại Miên, Lào không tự chế được súng đạn mà phải phụ thuộc vào viện trợ của các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc. Cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn hai cũng đã được quốc tế hoá, đây là cuộc đụng độ giữa khối Cộng Sản Quốc Tế và Thế Giới Tự Do mà Hoa Kỳ là đại diện, các nước khác như Anh, Pháp… đã không đóng góp cụ thể mà còn thọc gậy bánh xe phá Mỹ. Miền Bắc được Liên Xô, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ giúp đỡ, miền Nam được Mỹ viện trợ.

Viện trợ quốc tế cho miền Bắc:
Theo bản tin của BBC.com ngày 10-5-2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2006, cuộc hội thảo tập hợp nhiều tham luận của các sử gia và tướng lãnh trong quân đội Bắc Việt. Trong số các bài đọc ở hội thảo, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự Cộng Sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến.

Tham luận ghi nhận trong 21 năm chiến đấu, Việt Nam “đã nhận được sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới , đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.”
Bài viết thống kê những con số về vũ khí, đạn dược và trang bị kỹ thuật mà khối xã hội chủ nghĩa đã viện trợ.
Khối lượng hàng quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN viện trợ từ năm 1955 đến 1975 qua từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1955-1960: Tổng số 49,585 tấn gồm : 4,105 tấn hàng hậu cần, 45,480 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật trong đó Liên Xô viện trợ 29,996 tấn, Trung Quốc viện trợ 19,589 tấn.
Giai đoạn 1961-1964: Tổng số 70,295 tấn gồm 230 tấn hàng hậu cần, 70,065 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, trong đó Liên Xô: 47,223 tấn: Trung Quốc 22,982 tấn, các nước XHCN khác 442 tấn.
Giai đoạn 1965-1968: Tổng số 517,393 tấn, gồm 105,614 tấn hàng hậu cần và 411,779 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, trong đó Liên Xô 226,969 tấn, Trung Quốc 170,798 tấn , các nước xã hội chủ nghĩa khác 119,626 tấn.
Giai đoạn 1969-1972: Tổng số 1,000,796 tấn gồm 316,130 tấn hàng hậu cần, 684,666 tấn hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật trong đó Liên Xô :143,793 tấn, Trung Quốc 761,001 tấn , các nước xã hội chủ nghĩa khác 96,002 tấn.
Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724,512 tấn gồm 75,267 tấn hàng hậu cần , 649,246 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó Liên Xô: 65,601 tấn, Trung Quốc 620,354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác : 38,557 tấn.
Tính tổng cộng qua 20 năm, theo thống kê chính thức của Việt Nam, số viện trợ mà Việt Nam nhận được là 2,362,581 tấn hàng hoá, khối lượng hàng hóa qui đổi thành tiền tương đương 7 tỷ Rúp ( tiền Nga).
Về chủng loại vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu, các tác giả ở Viện lịch sử quân sự cho biết số liệu như sau:
Súng bộ binh (khẩu): Liên Xô 439,198, Trung Quốc 2,227,677, các nước khác 942,988.
Súng chống xe tăng (khẩu): Liên Xô 5,630, Trung Quốc 43,584, các nước khác 16,412.
Súng cối các loại (khẩu): Liên Xô 1,076, Trung Quốc 24,134, các nước khác 2,759.
Ðạn tên lửa (quả): Liên Xô 10,169.
Máy bay chiến đấu (chiếc) Liên Xô 316; Trung Quốc 142.
Phân tích bài viết về khối hàng viện trợ quân sự.
Giai đoạn 2 (1961-1964) so với giai đoạn 1 (1955-1960) hàng hậu cần giảm 17 lần nhưng hàng vũ khí tăng lên 55%.
Giai đoạn 3 (1965-1968) so với giai đoạn 2 (1961-1964) hàng hậu cần tăng 459 lần, hàng vũ khí tăng gần 6 lần.
Giai đoạn 4 (1969-1972) so với giai đoạn 3 (1965-1968) hàng hậu cần tăng gấp 3, hàng vũ khí tăng 66%.
Giai đoạn 5 (1973-1975) so với giai đoạn 4 (1969-1972) hàng hậu cần giảm 4 lần nhưng hàng vũ khí không thay đổi mấy.
Trong Giai đoạn 1 (1955-1960) số lượng hàng của Liên Xô chiếm 60%, Trung Quốc chiếm 40%.
Trong giai đoạn 2 (1961-1964) Liên Xô chiếm 67%, Trung Quốc chiếm gần 33%, các nước khác không đáng kể.
Trong giai đoạn 3 (1965-1968) Liên Xô chiếm 44%, Trung Quốc chiếm 33%, các nước khác 23%.
Trong giai đoạn 4 (1969-1972) Liên Xô chiếm 14%, Trung Quốc 76%, các nước khác khoảng 10%.
Trong giai đoạn 5 (1973-1975) Liên Xô chiếm 9%, Trung Quốc 86%, các nước khác 5%
Như thế trong hai giai đọan cuối của cuộc chiến tranh Trung Cộng đóng vai trò chủ chốt trong quân viện cho CSVN, khối hàng viện trợ của họ chiếm đa số so với Nga và các nước khác.
Về súng bộ binh tổng số là 3,609,863 khẩu, trong đó Liên Xô chiếm 12%, Trung Quốc 62%, các nước khác 26%.
Về súng chống tăng tổng cộng 65,590 khẩu, Liên Xô chiếm gần 9%, Trung Quốc 66%, các nước khác 25%
Về súng cối tổng cộng có 27,969 khẩu, Liên Xô chiếm 4%, Trung Quốc 86%, các nước khác chiếm 10%.
Máy bay chiến đấu tổng cộng 458 chiếc, Liên Xô chiếm 69%, Trung Quốc 31%.
Trong bài trên không thấy nói tới đại bác, hoặc có lẽ nằm trong mục nói về súng cối, cũng không thấy nói về xe tăng.
Giai đoạn 2 (1961-1964) so với giai đoạn 1 (1955-1960) hàng viện trợ không tăng nhiều nhưng giai đoạn 3 (1965-1968) hàng viện trợ tăng vọt lên, về vũ khí tăng lên gấp 6 lần, cùng năm 1965 Mỹ bắt đầu cho đổ quân leo thang chiến tranh .
Giai đoạn 4 (1969-1972) về vũ khí chỉ tăng 66%, giai đoạn chót (1973-1975) hàng vũ khí vẫn như cũ, hàng hậu cần giảm 4 lần. Sau ngày 30-4-1975, tại miền Nam VN , trên báo Sài Gòn Giải Phóng Cộng Sản Bắc Việt tiết lộ: vũ khí, đạn dược của họ trong năm 1975 coi như gấp 3 lần năm 1972. Như trên chúng ta thấy viện trợ vũ khí trong hai giai đoạn 1969-72 và 1973-75 tương đương nhưng giai đoạn 1975 họ mang vào Nam được nhiều hơn. Trong giai đoạn 1969-1972 đường Trường Sơn bị máy bay chiến lược, chiến thuật của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà oanh kích nên cuộc vận chuyển tiếp liệu gặp nhiều khó khăn, số lượng hàng vũ khí mang vào bị giới hạn. Trái lại giai đoạn 1973-75 họ mang vào được nhiều hơn vì sau ngày ký Hiệp Ðịnh Ba Lê, các tuyến đường xâm nhập gần như bỏ ngỏ, BV đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải chuyên chở vũ khí đạn dược vào Nam thoải mái.

Sau khi ký Hiệp định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Ðông Trường Sơn hay hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hoà từ Ðồng Hới cho tới Lộc Ninh, đến đầu 1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km. Dọc theo Ðông Trường Sơn là hệ thống dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh. Bắc Việt huy động hàng nghìn xe máy ủi, hàng vạn bộ đội, công nhân, thanh niên xung phong, dân công .. ngày đêm phá núi san đèo, xây cống, lắp đường, dựng cầu.. đường rộng 8 m.. xe vận tải cỡ lớn chạy hai chiều được, ngày đêm chở hàng trăm nghìn tấn đạn dược quân nhu cho chiến trường. Họ đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải để chuyên chở binh khí, kỹ thuật, đạn dược, lương thực… chuẩn bị cho chiến trường miền Nam trong hai năm 1973 và 1974. Chiều dài toàn bộ hệ thống chiến lược Trường Sơn tới 1975 là 16 ngàn km gồm 5 hệ thống đường trục dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km, một đường hệ thống dẫn dầu dài 5,000 km.

Theo một cựu trung tá không quân Việt Nam Cộng Hoà cho biết đường xâm nhập của CSBV hiện rõ trên bản đồ nhưng miền Nam không đủ lực lượng để ngăn chặn, cũng có tin cho biết Hoa Kỳ ngăn cản không cho không quân VNCH đánh phá, họ đe doạ cắt viện trợ nếu không nghe theo. Một số nhà nghiên cứu, giới chức quân sự cho rằng viện trợ quân sự của Nga, Trung Cộng cho miền Bắc năm 1975 gấp 3 hoặc 4 lần năm 1972. Sự thực thì không phải như vậy, số lượng vũ khí đạn dược năm 1975 của CSBV nhiều gấp bội lần năm 1972 vì họ mang vào Nam được nhiều hơn, khối lượng hàng viện trợ vũ khí đạn dược như ta đã thấy trong hai giai đoạn này (1972 và 1975) không thay đổi mấy, coi như tương đương .

Quân viện và quân phí tại miền Nam.
Các cường quốc trong Thế giới tự do như Anh, Pháp… không đóng góp gì trong việc viện trợ quân sự cho miền Nam VN mặc dù họ núp dưới cây dù nguyên tử của Mỹ. Từ đầu chí cuối Mỹ gánh chịu hoàn toàn chiến phí và quân viện cho đồng minh. Trong cuốn “1969 Việc Từng Ngày” của ông Ðoàn Thêm có ghi.

Quân viện và quân phí tại miền Nam.
Các cường quốc trong Thế giới tự do như Anh, Pháp… không đóng góp gì trong việc viện trợ quân sự cho miền Nam VN mặc dù họ núp dưới cây dù nguyên tử của Mỹ. Từ đầu chí cuối Mỹ gánh chịu hoàn toàn chiến phí và quân viện cho đồng minh. Trong cuốn “1969 Việc Từng Ngày” của ông Ðoàn Thêm có ghi.
” Ngày 4-11-1969.
Quân phí của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Năm 1962 : 287 triệu Mỹ kim
Năm 1963 : 384,1 triệu MK
Năm 1964 : 403 triệu MK
Năm 1965 : 646,1 triệu MK
Năm 1966 : 5,8 tỷ MK
Năm 1967 : 20,1 tỷ MK
Năm 1968 : 26,5 tỷ MK.
Năm 1969 : 28,8 tỷ MK”
(Trang 338)
Không thấy tác giả ghi nguồn gốc, chắc là nguồn báo Times vì trong các số thống kê khác ông thường nói theo báo Times .
Trong cuốn sách nổi tiếng Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng nói về quân phí và quân viện như sau.
“Ðể dễ so sánh, ta nên coi lại những chi tiêu và sự viện trợ quân sự những năm trước đó:
-Trong thời gian 1966-1970: Mỹ tiêu 25 tỷ đô la một năm.
-Trong hai năm 1970-1971 : tiêu 12 tỷ một năm (vì đang rút quân).
-Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hoà:
-Tài khoá 1973 : hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
-Tài khoá 1974 : một tỷ tư (1,4 tỷ)
-Tài khoá 1975 : bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
(Trang 223)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ðức Phương, vấn đề cắt quân viện đã manh nha từ đầu thập niên 1970.
“Hành quân Kampuchia năm 1970 đã tạo ra phản ứng chống đối dữ dội của Quốc Hội Mỹ vì họ cảm thấy bị ngành hành pháp che dấu sự thật. Tháng 6.1970, Thượng viện đã biểu quyết với đa số chấm dứt nghị quyết Vịnh Bắc Việt trao toàn quyền hành động cho Tổng thống Mỹ từ năm 1964. Hai Thượng nghị sĩ John S. Cooper (đảng Cộng Hoà, tiểu bang Kentucky) và Frank F. Church (đảng Dân Chủ, tiểu bang Idaho) một thành viên của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện đã đề nghị một tu chính án cắt tất cả phí tổn về quân sự của Mỹ tại Miên kể từ ngày 1.7.1970. Sau 7 tuần lễ tranh cãi, Thượng viện Mỹ biểu quyết vào cuối tháng 6.1970 với 58 phiếu thuận và 37 phiếu chống. Tuy nhiên Hạ viện đã bác bỏ tu chính án này.
Tu chính án do đó được sửa đổi lại và được biểu quyết chấp thuận vào tháng12. Theo đó Mỹ không được đưa quân tác chiến vào Lào và Thái Lan. Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ với tư cách Tổng tư lệnh Quân đội bị giới hạn quyền hành trong tình trạng chiến tranh. Một tu chính án khác do hai Thượng nghị sĩ George Mc Gocern (đảng Dân chủ, tiểu bang South Dakota) và Mark O.Hatfield (đảng Cộng hoà, tiểu bang Oregon) đã đề nghị rút tất cả quân đội Mỹ và cắt tất cả quân viện cho VNCH vào cuối năm 1971. Tuy nhiên Thượng viện Mỹ đã bác bỏ hai lần (1970 và 1971) tu chính án này. Năm 1973, quốc hội Mỹ biểu quyết chấp thuận tu chính án do Frank Church và Thượng nghị sĩ Clifford (đảng Cộng Hoà) chấm dứt tất cả quân viện cho các nước Ðông Dương.”

Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 510
Về chi tiết số quân viện bị cắt giảm còn 700 triệu, cuốn Khi Ðồng Minh Tháo Chạy kể trên có nói.
“Tình hình viện trợ từ 1967 đến 1970, lúc Hoa Kỳ còn đang dấn thân sâu đậm ở chiến trường Việt nam, mỗi năm cuộc chiến đã tốn tới 25 tỷ đô la. Trong hai năm 1970 và 1971, chi phí mỗi năm giảm xuống còn 12 tỷ. Giờ đây, sau khi quân đội Mỹ triệt thoái, Việt nam Cộng Hoà phải một mình đảm nhiệm cuộc chiến , và với ngân khoản 700 triệu viện trợ, trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá săng nhớt tăng gấp bốn . Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu, bằng 3% của mức chi tiêu 1970-71.
Tình hình viện trợ quân sự tài khoá 1975 rất rối ren, nhưng có thể tóm tắt như sau:
-Mức ban đầu do chính phủ Nixon đề nghị là 1,4 tỷ, tức bằng tài khoá 1974;
-Ủy Ban Quốc Phòng Thượng nghị viện do Nghị sĩ John Stennis (Mississipi) làm chủ tịch giảm còn một tỷ 126 triệu cho cả Ðông Dương, phần chia cho miền Nam là một tỷ;
-Trước khi từ chức, Tổng thống Nixon ký thành luật một mức tối đa cho Việt Nam Cộng Hoà là một tỷ;
-Sau khi Ford nhậm chức, Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện do Nghị sĩ John McClellan (Arkansas) làm chủ tịch, cắt xuống còn 700 triệu.”

(Trang 222, 223)

Tổng thống Nixon từ chức ngày 9-8-1974, phó Tổng thống Ford lên thay, hạ tuần tháng 9-1974 ông Nguyễn Văn Thiệu cử bộ trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc đi Mỹ để vận động xin thêm 300 triệu quân viện để phục hồi một tỷ như cựu Tổng thống Nixon đã ký trước đây. Tại Sài Gòn ông Ðại Sứ Martin vốn sẵn cảm tình với Việt Nam trấn an ông Thiệu yên tâm. Ông Vương Văn Bắc mang bức thư đề ngày 19-9-1974 của Tổng thống Thiệu sang trình Tổng thống Mỹ Gerald R. Ford.
Tại Hoa Thịnh Ðốn, bộ trưởng ngoại giao Kissinger đưa ông V.V Bắc và đại sứ Phượng vào gặp Tổng thống Ford, buổi họp kéo dài khoảng nửa giờ. Ngày 24-10-1974 sau khi ông Bắc đã về VN hơn một tháng, Tổng thống Ford gửi thư phúc đáp ông Thiệu nói vẫn ủng hộ chính phủ Việt Nam. Ngày 2-1-1975 hành pháp đưa ra Quốc hội ngân khoản phụ trội 300 triệu.

Ðầu tháng 3-1975 một phái đoàn quốc hội Mỹ được cử tới Việt Nam để thẩm định tình hình trước khi quyết định viện trợ thêm, thành viên đa số là những người có sẵn lập trường chống đối viện trợ cho VN. Phái đoàn Mỹ vừa rời Sài Gòn thì CSBV tấn công Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975. Mấy ngày sau 13-3-1975, khi ấy Ban Mê Thuột thất thủ, ban lãnh đạo đảng Dân Chủ, cả Thượng viện lẫn Hạ viện , họ là thành phần quyết định trong Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu với đại đa số chống bất cứ viện trợ nào thêm cho miền Nam Việt Nam. Ngày 10-3 Chủ tịch Thượng viện Trần văn Lắm trở về Sài Gòn sau chuyến đi Mỹ vận động, ông nói không hy vọng gì đối với khoản 300 triệu mà sẽ không bao giờ còn viện trợ quân sự nữa.
Ngoài ra một đề nghị khác xin viện trợ khẩn cấp vào giờ chót cũng đã bị Quốc hội bác. Ngày 25-3-1975 Tướng Weyand và Ðại sứ Martin họp với Tổng thống Ford tại toà Bạch Ốc, sau đó Tổng thống Ford cử Weyand đi Việt Nam. Trước khi Weyand đi Sài Gòn vào cuối tháng 3, bộ trưởng quốc phòng Schlesinger đã dặn dò đừng hứa hẹn nhiều, đừng để cho VNCH hy vọng Mỹ sẽ đảo ngược tình thế, họ cho rằng không thể đảo ngược được. Ngày 5-4-1975 Kissinger họp báo về chuyến đi công tác của Weyand biện hộ cho việc cứu xét 722 triệu Mỹ kim tiền viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam mà Weyand đề nghị. Kissinger cũng muốn bán cái cho Quốc hội vì thực ra ông cũng không ủng hộ đề nghị trên. Ngày 9-4-1975, một ngày trước khi Ford ra Quốc hội Kissinger đưa lời Ron Nessen khuyên Tổng thống Ford hãy đưa nước Mỹ ra khỏi VN chớ đừng có đi vào, các bộ hạ, cố vấn của Ford đều khuyên ông bỏ Ðông Dương và VN. Ford là một tổng thống không phải do dân bầu ra, một người không có lập trường, uy tín cũng như khả năng lãnh đạo đã nghe theo các cố vấn.

Gerald Ford ra trước Quốc Hội ngày 10-4-1975, ông nói Mỹ đã cắt giảm viện trợ VNCH để cho CSBV lộng hành mà chưa có biện pháp trừng phạt. Tổng thống yêu cầu Quốc hội chấp nhận ngân khoản 722 triệu và ấn định thời hạn 10 ngày, hạn chót để Quốc hội biểu quyết là ngày 19-4-1975. Sự thực Ford chỉ đưa ra Quốc hội cho có lệ, ông đoán biết trước không đi tới đâu, ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu đã bị bác bỏ ngày 18-4-1975. Báo Times số ngày 21-4 nói ông Ford yêu cầu Quốc hội viện trợ nhưng chính ông lại chẳng hy vọng gì, họ cho rằng ông đã ” bán cái” cho Quốc hội. Mười năm sau Brent Scowsroft, phụ tá của tổng thống Ford đã trả lời rõ ràng trong một cuộc phỏng vấn của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng như sau:
“Thực ra, không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc hội được khoản tiền ấy (722 triệu đô la). Việc xin như vậy chỉ là một cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi”
Khi Ðồng Minh Tháo Chạy trang 293.

Hành pháp muốn bán cái cho Quốc hội, họ đổ lỗi cho Quốc hội một cách khéo léo chứ thực ra trong thâm tâm họ chỉ tìm cách rút lui khỏi VN, dù hành pháp, lập pháp họ cũng là Mỹ, họ vì quyền lợi của đất nước ho.

Hậu quả của việc cắt giảm quân viện.
Cựu Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH trong cuốn Những Ngày Cuối cua VNCH đã cho biết về ảnh hưởng tai hại của quyết định giảm thiểu viện trợ quân sự của Quốc hội Mỹ đối với quân đội VNCH, nó đã khiến quân đội thiếu thốn và giảm hoả lực rất nhiều, không thể tồn tại lâu được nếu không có tăng viện.
“Ngân khoản 700 triệu chỉ cung cấp được phân nửa nhu cầu tối thiểu của quân đội VNCH, trong năm 1975 hoạt động quân sự của CSBV gia tăng 70% hơn năm trước. Sau khi trừ đi 46 triệu cho USDAO, số tiền còn lại được chia ra như sau:
Không quân: Cần 414 triệu; nhận 183 triệu – 44% ngân khoản yêu cầu.
Lục quân: Cần 841 triệu; nhận 458 triệu – 54% ngân khoản yêu cầu.
Như vậy, từ số tiền 1 tỉ 283 triệu của ngân sách quân viện năm 1975, VNCH chỉ được 654 triệu – chỉ bằng 51% ngân khoản cần thiết”.
Những Ngày Cuối của VNCH, trang 85.

Trong mục nói về Ngân quĩ của Không quân và Hải quân trang 86, 87 ông Cao Văn Viên đã cho biết cụ thể, xin tóm lược dưới đây như sau.
Với số ngân khoản ít hơn, không quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ gồm các loại như chiến đấu – oanh tạc cơ A-1; phi cơ vận tải C-47, C-7, C-119; và thám thính cơ 0-1. Hồi hương 400 sinh viên sĩ quan đang theo học bay phản lực và trực thăng ở Hoa Kỳ. Giảm giờ bay thực tập và yểm trợ, Không quân chỉ cung ứng 50% yểm trợ hoả lực và 58% các phi vụ thám thính so với tổng số các phi vụ trong năm 1973-1974. Sự cắt giảm làm cho chúng ta mất nhiều khả năng theo dõi, thám thính sự xâm nhập của CSBV hoặc hộ tống yểm trợ các cuộc hành quân vận chuyển.

Trực thăng vận bị giảm 70% vì thiếu nhiên liệu gây trở ngại cho việc tản thương, tăng viện hay tiếp tế nhất là tại đồng bằng sông Cửu long, sông ngòi chằng chịt. Trực thăng vận là phương tiện chuyển vận quan trọng để tải thương, tiếp tế, nay không còn yểm trợ trực thăng các đơn vị địa phương quân phải dùng võng, thuyền chèo tay để tải thương, thiếu thốn về không vận gây ảnh hưởng tâm lý quân đội. Sự chuyển vận của các phi cơ vận tải bị cắt giảm 50% ảnh hưởng tới việc điều quân của các đơn vị tổng trừ bị, khả năng đưa các đơn vị Dù, Thuỷ quân lục chiến nhanh chóng tới mặt trận bị ảnh hưởng trầm trọng.

Các hoạt động Hải quân bị cắt giảm 50% , các hoạt động ở sông ngòi chỉ còn 28%, sự cắt giảm sâu rộng khiến ta phải giải tán 600 giang thuyền trong đó 240 chiếc thuộc Ðịa phương quân, Hải quân không còn đủ khả năng kiểm soát sông ngòi và vùng ven biển nhất là vùng bốn, sự kiểm soát cửa khẩu dẫn vào sông Sài Gòn , đường sông Sài Gòn Vũng Tầu , các bến tầu Qui Nhơn Ðà nẵng, Cam Ranh nằm trong tình trạng nguy hiểm.

Trang 88 và 89 sách nêu trên ông Cao Văn Viên nói về khó khăn trong việc thay thế phụ tùng và quân cụ.
Trong tài khoá 1973-1974 với số tiền quân viện quá ít, quân đội VNCH chỉ thay được một số quân xa, đại bác và xe tăn.Trong tài khóa 1975 với tất cả ngân quĩ được trưng dùng vào việc quản trị và điều hành cuộc chiến, từ ngày ngưng bắn không một tầu chiến một phi cơ nào được thay thế. Vào cuối năm 1974 tổng số nhu cầu thay thế lên tới 400 triệu đô la, những quân dụng cần thiết như vũ khí đạn dược thì chỉ được thay thế khoảng 70%.

Tù trang 89 tới 94 tác giả đề cập tới tiết mục quan trọng nhất: Nhiên Liệu và đạn dược.
Tổng số ngân sách của Lục quân năm 1975 là 458 triệu đô la, 52% số tiền đó (239 triệu) dành cho đạn dược, tuy vậy con số này chỉ cung ứng được 56% nhu cầu thực sự của Lục quân . Hàng tháng ngân quĩ chỉ cho phép lấy ra một số tiền là 19.9 triệu cho chi phí đạn dược. Con số này chỉ bằng phân nửa chi phí hàng tháng trong thời gian từ tháng 6-1973 đến tháng 2-1974 là 37.3 triệu, ngoài ra vấn đề lạm phát làm giá đạn tăng 27.7%.
Trong 8 tháng từ tháng 7-1974 đến tháng 2-1975 quân đội xử dụng 19.808 tấn đạn hàng tháng chỉ bằng 27% so với 73.356 tấn dùng hàng tháng trong thời gian trước (có nghĩa là hoả lực giảm hơn 70%), sau Hiệp định Paris trung bình hàng tháng có 2980 hoạt động quân sự của CS so với 2072 vụ trước ngày ngưng bắn.
Trang 92, tác giả Cao Văn Viên cho thấy thực trạng bi thảm của tồn kho đạn dược dự trữ.
“Mặc dù một số đạn dự trữ trong kho của Quân Ðội Hoàng Gia Lào được chuyển sang cho quân đội VNCH, số dự trữ tồn kho của chúng ta chỉ cung ứng được từ 30 đến 45 ngày – xa số lượng dự trữ căn bản là 60 ngày. Vào tháng 2 – 1975, số lượng đạn tồn kho tuột xuống con số nguy hiểm như sau.
Ðạn – Số ngày tồn kho
Ðạn M-16 (5.56 ly) – 31
Ðạn phóng lựu 40 ly – 29
Ðạn súng cối 60 ly – 27
Ðạn súng cối 81 ly-30
Ðạn pháo 105 ly – 34
Ðạn pháo 155 ly – 31
Lựu đạn – 25

Với thời gian là 45 ngày từ lúc đặt hàng và chuyên chở tới Việt Nam bằng tầu, thời gian đó quá lâu trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng nếu phân phối đạn ở 14 trung tâm dự trữ trên toàn lãnh thổ bằng phi cơ thì lại là một vấn đề khó khăn và quá tốn kém. Theo dự tính, nếu tình hình chiến sự tiếp tục xẩy ra theo nhịp độ giống như những tháng cuối năm 1974, và nếu chúng ta không nhận được thêm quân viện, thì số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6-1975. Sau tháng 3-1975, với tất cả các đơn vị di tản từ vùng I và vùng II về, tình trạng đạn tồn kho trở nên tuyệt vọng. Tháng 4-1975 đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột xuống mức độ thấp nhât là chỉ đủ 14 đến 20 ngày cung ứng”.
Giáo sư Nguyễn Tiên Hưng có nói tới một tài liệu báo cáo do tướng Murray (tuỳ viên Quốc phòng DAO) cùng với Bộ Tổng Tham Mưu trình lên ông Thiệu.

“Phần kết luận được tóm tắt như sau:
-Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng chiến thuật;
-Nếu là 1,1 tỷ thì quân khu I phải bỏ.
-Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;
-Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt;
-Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ Việt Nam Cộng Hoà chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.
Ðó là năm tuyến phòng thủ tương đương với năm mức độ quân viện.
Tướng Murray kết luận: Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy”

Khi Ðồng Minh Tháo Chạy. Trang 235.

Trên thực tế mức độ quân viện 1,4 tỷ VNCH chưa chắc có thể giữ được cả bốn Quân khu trong tình hình năm 1975. Năm 1972, CSBV đưa vào các mặt trận 10 sư đoàn, chỉ bằng một nửa lực lượng của họ năm 1975, vũ khí đạn dược chỉ bằng một nửa năm 1975. Năm 1972 khi ấy đạn dược tiếp liệu VNCH rất dồi dào mà vẫn còn phải nhờ sự giúp đỡ của không lực Hoa Kỳ, chính ông Cao Văn Viên đã xác nhận nếu không được Hoa Kỳ yểm trợ chưa chắc ta đã giữ được các tỉnh Quảng Trị, Kontum, Bình Long.

Theo ông Ðại sứ Martin tường thuật lại cho Quốc hội Mỹ thì tháng 8-1974, chính phủ VNCH đã chỉ định một nhóm nghiên cứu về một kế hoạch thu hẹp lãnh thổ với sự cố vấn của Chuẩn tướng Ted Sarong người Úc, ông này làm việc với Trung tướng Ðặng Văn Quang. Nhóm đã đi tới kết luận là VNCH nên bỏ Quân khu I và II để tập trung lực lượng để chỉ giữ một tuyến từ Tây Ninh tới Nha Trang vì không đủ hoả lực cũng như không thể trông chờ Hoa Kỳ yểm trợ như họ đã hứa.
Giữa tháng 3-1975, sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu đã cho rút bỏ hai quân khu I và II để về giữ quân khu III và IV mà ông gọi là kế hoạch tái phối trí lực lượng , kế hoạch đã đưa tới sụp đổ miền Nam nhanh chóng. Ông Cao văn Viên cho rằng đó là một kế hoạch đúng nhưng đã quá trễ, đúng lý ra phải thực hiện từ 6 tháng trước.

Kết Luận.
Như chúng ta đã thấy Cộng Sản quốc tế Nga, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ cho Bắc Việt tăng nhanh từ năm 1965, cho tới giai đoạn chót 1975 họ vẫn giữ mức độ viện trợ vũ khí đạn dược ở mức cao 649,246 ngàn tấn nhưng Hoa Kỳ đã giảm viện trợ, quân phí cho miền Nam dần dần từ những năm đầu thập niên 70. Rõ ràng nhất là kể từ sau khi ký Hiệp Ðịnh Paris đầu năm 1973, kể từ đó viện trợ giảm dần cho tới mức chỉ còn 2% năm 1975, 700 triệu đô la so với quân phí năm 1969 là 29 tỷ. Ðường biểu diễn trên đồ thị của viện trợ quân sự khối Cộng Sản Quốc tế là một đường thẳng đi lên trong khi đường biểu diễn của quân phí và quân viện Hoa Kỳ là một đường Parabole, đỉnh của nó là 29 tỷ đô la (1969), hai chân của nó là 644 triệu đô (1965) và 700 triệu đô (1975).

Trong khi Nga, Trung Cộng viện trợ vũ khí đạn dược cho Bắc Việt ê hề từ đầu chí cuối, Hoa Kỳ đã viện trợ nhỏ giọt cho miền Nam nhất là vào lúc tàn của cuộc chiến và như vậy miền Nam nếu tồn tại được chỉ nhờ phép lạ. Ngoài ra năm 1968 trong trận Mậu Thân, Cộng Sản quốc tế đã viện trợ cho BV nhiều vũ khí cá nhân tối tân, Cộng quân đã xử dụng ngoài chiến trường toàn những thứ ác ôn như AK, B-40, B-41…Quân đội VNCH hồi ấy trừ một số binh chủng tinh nhuệ như Dù, Thủy quân lục chiến… đươc trang bị M-16, còn lại vẫn xử dụng súng từ thế chiến thứ hai như Carbine, Garand M-1…

Vũ khí miền Nam mặc dù hơn Cộng quân về số lượng nhưng về mặt phẩm thường không bằng thí dụ:
Năm 1974 về số lượng, không quân VNCH đứng thứ 4 trên thế giới có 2075 máy bay các loại kể cả máy bay cánh quạt, nhiều cái thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ, Thiết giáp có 2200 chiếc trong đó 60% là M-113, 40 % là M-41 và M-48 trong đó chỉ có M-48 là tương đương với T-54 của CS. Pháo binh có khoảng 1500 khẩu trong đó một nửa là súng 105 ly, 25% là 155 ly chỉ có 15% là 175 ly, nếu so với đại bác 130 ly của BV có tầm viễn xạ tối đa 28 cây số thì chỉ có súng 175 ly là tương đương, súng 105 ly viễn xạ tối đa chỉ có 12 cây số và 155 ly là 15 cây số.

Ngày 11-3-1975 ông Nguyễn Văn Thiệu họp tham mưu cao cấp tại dinh Ðộc lập với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Ðặng Văn Quang. Ông quyết định tái phối trí lực lượng bỏ Vùng I , Vùng II về giữ những vùng đông dân trù phú như vùng III, Vùng IV, ông cho biết với mức viện trợ và lực lượng hiện hữu không đủ bảo vệ tất cả lãnh thổ. Theo Tướng Cao Văn Viên vào năm 1974 Tướng Ðồng Văn Khuyên Tham mưu trưởng liên quân đã đệ trình lên Tổng thống ý niệm thu hẹp lãnh thổ tương đương với sự cắt giảm quân viện, Thiếu tướng John Murray phòng DAO cũng cung cấp cho ông Thiệu một đề nghị tương tự, và Chuẩn tướng Úc Ted Sarong cũng đề nghị một kế hoạch tương tự. Ông Cao Văn Viên cho đó là một kế hoạch đúng nhưng thực hiện quá trễ, đúng ra phải thực hiện trước đó 6 tháng. Nhưng dù thực hiện sớm hơn 6 tháng cũng không thể tránh được sự sụp đổ sau đó vì quân viện không còn tiếp tục. Sự thực không phải vì tốn kém một vài tỷ mà người Mỹ cắt quân viện nhưng vì họ đã bắt tay được với Bắc Kinh năm 1972.

Trả lời Phạm Huấn trong một cuộc phỏng vấn tại Hải ngoại về mặt trận Xuân Lộc, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III cho biết sau khi phòng tuyến của Chiến đoàn 52 bị CS tràn ngập đêm 15-4-1975, ông đã xin lệnh Bô TTM cho ném bom Daisy Cutter vì VC tập trung rất đông đảo trong vùng này, BTTM đã chấp thuận đề nghị và cho thi hành ngay hôm sau.

“Hỏi: Trung Tướng có được báo cáo về kết quả sau khi những trái bom này được thả?
Ðáp: Vâng, khoảng hai sư đoàn Cộng sản bị loại khỏi vòng chiến (hơn 10 ngàn quân) và rất nhiều chiến xa T-54, đại pháo của Bắc Việt bị hủy diệt khi đang di chuyển trên Quốc lộ 20, từ Ðịnh Quán xuống ngã ba Dầu Giây. Tôi đã đề nghị thả 5 bom ‘Daisy Cutter’ nữa xuống nhiều vùng tập trung quân khác của Cộng Sản Bắc Việt trên chiến trường Quân Ðoàn III sau khi biết chắc rằng những pháo đài bay B- 52 của Mỹ không còn trở lại ViệtNam, và để quân ta có thể bung ra phản công, tiêu diệt địch, nhưng chỉ có 2 quả được thả xuống phía Bắc Dầy Giây mà thôi.
Hỏi: Lý do?
Ðáp: Tôi được thông báo cho biết loại bom ‘Daisy Cutter’ tùy thuộc vào đầu nổ, và các chuyên viên của Mỹ. Mình có bom, nhưng không có đầu nổ và chuyên viên xử dụng cũng như không!

Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước trang 164.

Nếu Người Mỹ cung cấp thêm ngòi nổ bom Daisy Cutter cho VNCH thì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng vì như lời Tướng Toàn nó đã gây tổn thất kinh hoàng cho BV, nhưng họ đã không làm thế. Có 3 nguồn tin, giả thuyết về lý do người Mỹ không cung cấp thêm ngòi nổ như sau:
-Theo Tiến sĩ Nguyễn Ðức Phương vì Hà Nội cực lực tố cáo Hoa Kỳ xử dụng loại bom này trước dư luận thế giới.
-Người Mỹ chỉ cho ném hai quả để ngăn chận bớt đà tiến quân quá nhanh của BV ngõ hầu di tản kịp thời.
-Họ thử nghiệm vũ khí.

Một điều rõ ràng là họ muốn bỏ miền Nam, họ có thể cung cấp thêm ngòi nổ để ném thêm 5 quả bom Daisy Cutter vào các vùng tập trung quân của BV ngõ hầu quân đội miền Nam có thể bung ra phản công tiêu diệt địch.
Không hiểu do vô tình hay cố ý, sách báo Mỹ về chiến tranh VN không thấy đề cập tới việc cắt giảm viện trợ, họ thường mô tả diễn tiến cuộc chiến hoặc những khuyết điểm của VNCH. Thực ra vấn đề cắt giảm quân viện mới là nguyên do chính đưa tới sụp đổ tan tành, sự sụp đổ mà chính họ cũng đã mong đợi từ lâu.
“Ngày 26-10-1969 kết quả thăm dò dư luận của viện Louis Harris: 4/5 số dân được hỏi chán ghét chiến tranh”
(Ðoàn Thêm 1969, Việc Từng Ngày, trang 327)

Trọng Ðạt

Tài Liệu tham khảo.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh 2005
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003.
Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam.
Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
BBC.Com: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh , 10-5-2006
Văn Tiến Dũng: Ðại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.
Trần Ðông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng, Nam Việt 2006.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1958.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.
Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn nhỏ Dallas 28-4-2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét